Ngày 11/6, Nội các Italy đã thông qua sắc lệnh khẩn cấp hạn chế các tàu thuyền đi vào vùng lãnh hải của nước này, một động thái nhằm kiềm chế hoạt động của các tàu giải cứu người di cư của các tổ chức từ thiện quốc tế.
Theo sắc lệnh trên, những tàu đi vào vùng biển của Italy vi phạm luật quốc tế hoặc phớt lờ lệnh của giới chức nước này có thể bị phạt từ 10.000-50.000 euro (khoảng 11.300-57.000 USD). Trong trường hợp tiếp tục vi phạm, các tàu này có thể bị bắt giữ.
[Italy vẫn từ chối tiếp nhận người được giải cứu trên biển]
Sắc lệnh cũng quy định hình phạt đối với đối tượng có hành vi chống lại lực lượng an ninh nước này, trong đó mức án cáo nhất có thể lên tới bốn năm tù giam.
Những người biểu tình cố tình che mặt để không bị nhận dạng, có thể bị ngồi tù ba năm và bị phạt tới 6.000 euro. Theo kế hoạch, sắc lệnh này cần phải được Quốc hội thông qua.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Nội Italy Matteo Salvini nói: "Chúng tôi đã thông qua một biện pháp để bảo vệ an ninh của nước mình."
Kể từ khi ông Salvini lên nhậm chức Bộ trưởng Nội vụ Italy hồi năm ngoái, số người nhập cư trái phép vào nước này đã giảm. Theo số liệu thống kê chính thức, từ đầu năm đến nay, có 2.144 trường hợp vượt Địa Trung Hải vào Italy, giảm 85% so với cùng kỳ năm 2018 và giảm 96% so với cùng kỳ năm 2017./.