Italy: Uy tín của Thủ tướng Renzi và chính phủ tiếp tục giảm

Các cuộc thăm dò dư luận cuối tháng 1 ở Italy cho biết uy tín của Thủ tướng Matteo Renzi và chính phủ Italy tiếp tục bị giảm sút.
Italy: Uy tín của Thủ tướng Renzi và chính phủ tiếp tục giảm ảnh 1Thủ tướng Italy Matteo Renzi. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các cuộc thăm dò dư luận cuối tháng 1 ở Italy cho biết uy tín của Thủ tướng Matteo Renzi và chính phủ Italy tiếp tục giảm sút, trong thời điểm nền chính trị Italy tiếp tục biến động với việc ghế Tổng thống Italy còn đang để trống, trong khi luật bầu cử mới còn chưa được thông qua.

Cuộc thăm dò hằng tháng của Viện nghiên cứu dư luận Demos công bố cuối tháng 1 cho thấy uy tín của Thủ tướng Renzi đã tụt xuống mức 46%, giảm 4% so với tháng 12-2014.

Kể từ tháng 6/2014, khi uy tín của ông cao ở mức kỷ lục, 74%, sau thắng lợi của đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền ở cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu, uy tín của ông đã liên tục giảm.

Theo bình luận của nhật báo thiên tả La Repubblica, tỷ lệ ủng hộ ông Renzi giảm là do việc ông thúc đẩy chính phủ thông qua đạo luật cải cách lao động gây nhiều tranh cãi, đồng thời đang có những mâu thuẫn lớn trong nội bộ Pd liên quan đến nhiều vấn đề chính trị của đất nước trong thời điểm này.

Theo Demos, tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với chính phủ cũng đã giảm xuống thấp nhất kể từ 11 tháng nay, khi chính phủ được thành lập vào tháng 2/2014.

Thăm dò cho thấy, chỉ còn 42% cử tri ủng hộ chính phủ, so với 46% trong tháng trước và 56% vào tháng 2/2014, khi ông Renzi lên thay ông Letta trên cương vị người đứng đầu nội các.

Tuy nhiên, uy tín của đảng Pd vẫn ở mức cao, 36%, nhưng đã giảm 0,7% so với tháng trước. Pd hiện vẫn là đảng giành nhiều sự ủng hộ của cử tri nhất, trong khi các đảng đối lập bắt đầu phục hồi uy tín.

Forza Italia, đảng của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã tăng 2,2% so với tháng trước, đạt 15,8%, sau khi đảng này cho thấy vai trò của mình trong việc thông qua các cải cách về bầu cử. Tuy nhiên, đảng này vẫn kém 4% so với phong trào M5S, chính đảng lớn thứ 2 ở Italy.

Trong số các nhà lãnh đạo đối lập, Matteo Salvini, thủ lĩnh Liên đoàn Phương Bắc, đảng có xu hướng bài nhập cư và đòi tách khỏi khu vực đồng tiền chung euro, đang là người có uy tín cao nhất, 34%. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ ông cũng đã tụt 1% so với tháng cuối năm 2014.

Theo La Repubblica, con bài "khủng bố Hồi giáo" mà Liên đoàn Phương Bắc áp dụng để thu hút cử tri sau vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris không đạt hiệu quả.

Theo nhật báo này, mối lo chính đối với người dân Italy là vẫn thất nghiệp, hiện đã ở tỷ lệ kỷ lục 13,4% tính đến tháng 11/2014, và đất nước không thoát khỏi khủng hoảng kinh tế chứ chưa phải là khủng bố.

Tuy nhiên, thăm dò của Demos cũng cho thấy, các cử tri cũng đang ngày lo ngại về sự có mặt ngày càng nhiều của người nhập cư. 36% số người được hỏi bày tỏ rằng, người nhập cư là mối đe dọa đến việc làm của họ, 34% khẳng định người nhập cư là mối đe dọa cho an ninh của Italy và 30% cho rằng, người nhập cư ảnh hưởng đến văn hóa, bản sắc và tôn giáo của người Italy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.