JBIC: Việt Nam là điểm đầu tư hứa hẹn trong trung và dài hạn

Theo khảo sát của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), trong số 10 thị trường đầu tư hàng đầu đối với doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là nước có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng nhất.
JBIC: Việt Nam là điểm đầu tư hứa hẹn trong trung và dài hạn ảnh 1Dây chuyền hàn khung xe ôtô tại Công ty ôtô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Báo cáo khảo sát được Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) công bố ngày 27/11 cho thấy giới doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư rất hứa hẹn trong trung và dài hạn.

Theo kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường nước ngoài, tỷ lệ bình chọn Việt Nam là điểm đầu tư hứa hẹn đạt 36,4%, tăng 2,5 điểm phần trăm so với năm 2018, qua đó đưa Việt Nam từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ 3 trong danh sách xếp hạng của JBIC.

Trong số 10 thị trường đầu tư hàng đầu đối với doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là nước có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng nhất.

Với tỷ lệ phiếu bầu 47,8%, Ấn Độ sau 3 năm đã quay trở lại đứng đầu trong danh sách điểm đầu tư triển vọng đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Trung Quốc từ vị trí thứ nhất đã tụt xuống vị trí thứ 2 với tỷ lệ đạt 44,6%, giảm 7,6 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát năm 2018.

Trong khi đó, Thái Lan đã rơi từ vị trí thứ 3 xuống vị trí thứ 4 với 32,9% phiếu bầu. Các vị trí tiếp theo thuộc về các thị trường Indonesia và Mỹ.

[Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản quan tâm tới dự án của EVN và PVN]

Về triển vọng trong thời gian 10 năm tiếp theo, Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ 3 với 34,8%, đứng sau Ấn Độ và Trung Quốc với tỷ lệ phiếu bầu lần lượt là 52,4% và 40,2%.

Giải thích về lý do Việt Nam là điểm đến đầu tư nhiều triển vọng, JBIC cho biết tỷ lệ đánh giá tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của thị trường Việt Nam đạt 63,6%, đứng đầu về chỉ số này.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận được sự tin tưởng của giới doanh nghiệp Nhật Bản vì có lực lượng lao động giá rẻ và nguồn nhân lực có chất lượng.

Tuy nhiên, giới doanh nghiệp Nhật Bản cũng chỉ ra những lo ngại trong hoạt động tại thị trường Việt Nam là sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty, giá nhân công có xu hướng tăng, khó thu hút nhân lực cấp quản lý.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.