JPMorgan như "hổ thêm cánh" sau khi sáp nhập First Republic Bank

Cuộc khủng hoảng ngân hàng tạo điều kiện cho các ngân hàng lớn nhất phát triển hơn nữa, củng cố sự thống trị vốn đã rõ ràng của họ mà điển hình là thương vụ JPMorgan sáp nhập First Republic Bank.
JPMorgan như "hổ thêm cánh" sau khi sáp nhập First Republic Bank ảnh 1Trụ sở Ngân hàng JPMorgan Chase tại New York, Mỹ ngày 1/5/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 1/5, giới chức bang California đã thu hồi tài sản của ngân hàng First Republic Bank, hiện đang gặp khó khăn và bán lại cho JPMorgan, với hy vọng có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng kéo dài 2 tháng qua gây tác động nghiêm trọng tới hệ thống tài chính Mỹ.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) nhận định JPMorgan Chase, vốn đã là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ sau khi mua lại ngân hàng First Republic Bank, sẽ “như hổ thêm cánh.”

Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết JPMorgan Chase trả 10,6 tỷ USD cho FIDC để tiếp nhận quyền kiểm soát phần lớn tài sản của First Republic Bank và tiếp cận dữ liệu khách hàng của ngân hàng có trụ sở tại San Francisco này.

JPMorgan Chase sẽ tiếp nhận toàn bộ số tiền gửi 103,9 tỷ USD và mua lại phần lớn tài sản trị giá 229,1 tỷ USD của First Republic Bank.

JPMorgan cũng dự kiến chi khoảng 2 tỷ USD cho phí sáp nhập trong vòng 18 tháng tới. Thương vụ ước tính sẽ mang về cho JPMorgan thêm 500 triệu USD hàng năm.

Trong khi đó, FDIC ước tính cơ quan này sẽ phải chi khoảng 13 tỷ USD từ quỹ bảo hiểm tiền gửi để bù đắp cho các khoản lỗ của First Republic Bank.

Các khoản tiền gửi vẫn sẽ được FDIC bảo hiểm với hạn mức như cũ, khách hàng của First Republic sẽ tiếp tục thực hiện các giao dịch tại chi nhánh của First Republic.

[JPMorgan Chase mua lại First Republic Bank nhằm ngăn chặn khủng hoảng]

Sau khi JPMorgan Chase hoàn tất việc sáp nhập hệ thống công nghệ và vận hành, khách hàng của First Republic sẽ có thể thực hiện giao dịch tại các văn phòng và chi nhánh của JPMorgan Chase.

Tính đến ngày 13/4 vừa qua, First Republic có tổng tài sản khoảng 229,1 tỷ USD và tiền gửi trị giá 104 tỷ USD.

Kể từ khi Silicon Valey Bank (SVB) đột ngột phá sản vào tháng Ba, mọi sự chú ý của giới tài chính đã tập trung vào First Republic - mắt xích yếu nhất trong hệ thống ngân hàng Mỹ.

Giống như SVB, có đặc thù là phục vụ cho cộng đồng các công ty công nghệ khởi nghiệp, First Republic cũng là ngân hàng phục vụ cho một lĩnh vực riêng biệt và có trụ sở tại California.

Ngân hàng này tập trung vào cung cấp dịch vụ tài chính cho những người Mỹ giàu có ở vùng ven biển, thu hút họ bằng các khoản thế chấp lãi suất thấp để đổi lấy tiền mặt gửi tại ngân hàng.

Tuy nhiên, mô hình trên đã bị phá vỡ sau sự sụp đổ của SVB, khi các khách hàng của First Republic ồ ạt rút hơn 100 tỷ USD tiền gửi do hoảng loạn.

Các tổ chức có tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm cao như SVB và First Republic rất dễ bị tổn thương vì khách hàng thường mang tâm lý “sợ” mất tiền và họ rút tiền hàng loạt ngay khi cảm thấy tiền gửi của mình không được an toàn.

Với JPMorgan Chase, tại ngày cuối cùng của quý 1/2023, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ này có tổng tài sản khoảng 3.700 tỷ USD.

Theo thống kê của companiesmarketcap.com, JPMorgan Chase hiện là ngân hàng được định giá cao nhất hành tinh với vốn hóa 404 tỷ USD.

Như vậy, sau khi mua lại phần lớn tài sản của First Republic, quy mô của JPMorgan Chase sẽ càng khổng lồ hơn trước.

WSJ cho biết việc JPMorgan Chase mua lại First Republic Bank đã làm dấy lên lo ngại rằng các ngân hàng lớn trở nên quá hùng mạnh và nhiều khả năng sẽ trở thành vấn đề gây tranh cãi trên chính trường Mỹ.

Một số chính trị gia và cơ quan quản lý đã lo ngại rằng sự hợp nhất kiểu này có thể tạo ra các ngân hàng lớn đe dọa sự ổn định tài chính.

Các chính trị gia Đảng Dân chủ Mỹ, nhất là những người có tư tưởng tiến bộ, từ lâu luôn phản đối việc các ngân hàng trở nên ngày càng khổng lồ, vượt quá ngưỡng “too big to fail” (quy mô lớn tới mức không thể để cho sụp đổ vì ảnh hưởng tới toàn hệ thống).

Cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây tạo điều kiện cho các ngân hàng lớn nhất càng phát triển hơn nữa, củng cố sự thống trị vốn đã rõ ràng của họ.

Theo một báo cáo, các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, một phần được hưởng lợi từ quan điểm rằng họ quá quan trọng đối với hệ thống tài chính nên không được phép phá sản.

Các ngân hàng này đã thu được lợi nhuận cao ngất ngưởng, giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực trong hai tháng qua và ngày phát triển mạnh hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.