Trước thực trạng sông Bắc Hưng Hải đang bị ô nhiễm nặng làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, cử tri thị xã Mỹ Hào và các huyện Yên Mỹ, Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có biện pháp chỉ đạo chính quyền các địa phương làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương có doanh nghiệp xả thải ra hệ thống kênh; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xả thải, để đảm bảo đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Ô nhiễm nặng, thiếu giải pháp
Theo nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên, thời gian qua, nước sông Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm, nhiều nơi phải bỏ ruộng do cây trồng không thể phát triển. Đáng nói là, vấn đề này cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết; Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản trả lời nhưng cử tri vẫn chưa xác định rõ trách nhiệm, chưa thấy có giải pháp cụ thể.
Liên quan đến vấn đề này, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết mới đây đã có công văn trả lời, cung cấp thông tin gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Hưng Yên.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định trong những năm qua đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, tập trung rà soát các nguồn thải, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động xả thải ra lưu vực; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường và chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải…
Nhờ đó, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả tích cực. Đối với 8 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xả thải trực tiếp, gián tiếp vào lưu vực hệ thống Bắc Hưng Hải, đến nay, đã có 5 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý, 2 cơ sở thực hiện di chuyển ra khỏi khu dân cư để xử lý ô nhiễm, 1 cơ sở đang làm các thủ tục đầu tư, thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, hàng năm, các Công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cũng đã thực hiện việc thay nước trong hệ thống kênh bằng biện pháp đưa nước từ sông vào hệ thống để pha loãng nước, giảm thiểu nồng độ ô nhiễm; thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy, thu gom rác thải trên hệ thống Bắc Hưng Hải,…
[Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Tham vấn cộng đồng cần phải vì dân]
Tuy vậy, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận căn cứ kết quả quan trắc, phân tích mẫu nước sông Bắc Hưng Hải trong các năm 2016, 2017, 2018 và 2019, cho thấy chất lượng nước sông Bắc Hưng Hải chưa có sự cải thiện đáng kể.
Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do hệ thống Bắc Hưng Hải đã bị ô nhiễm từ nhiều năm qua, thông số ô nhiễm chủ yếu là các chỉ tiêu hóa sinh, hàm lượng chất ô nhiễm gia tăng nhất là vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 12) do hệ thống sông Bắc Hưng Hải đóng để trữ nước phục vụ cho công tác thủy nông nên tình trạng nước bị ứ đọng, không có dòng chảy…
Ngoài ra, hệ thống kênh Bắc Hưng Hải còn phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung; nước thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nước thải chăn nuôi, nước thải từ các làng nghề trên địa bàn; phải tiếp nhận nguồn nước bị ô nhiễm từ các sông trong khu vực chảy vào nên đã làm cho tình trạng ô nhiễm nước sông càng nặng hơn.
Đặc biệt là vẫn còn những trường hợp cơ sở sản xuất lén lút xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Vi phạm tập trung chủ yếu là nhóm hành vi như sau: Xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép; vi phạm các quy định về thực hiện báo cáo, các thủ tục môi trường và vi phạm quy định về xây lắp công trình bảo vệ môi trường, đặc biệt là công trình xử lý nước thải.
Tạm dừng cấp phép 16 loại hình dự án nguy cơ gây ô nhiễm lớn
Để khắc phục được triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nước toàn hệ thống kênh Bắc Hưng Hải, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành trong đôn đốc, chỉ đạo, hoàn thiện các thể chế, chính sách, thanh tra, kiểm tra, điều phối; đặc biệt là vai trò của địa phương nơi quản lý các nguồn thải và trách nhiệm của các chủ nguồn thải trên lưu vực.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp cụ thể.
Theo đó, đối với các tỉnh, thành phố trên hệ thống Bắc Hưng Hải cần tập trung quyết liệt vào công tác thanh tra, kiểm tra; buộc tất cả các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ các bãi chôn lấp, khu xử lý rác thải có lưu lượng xả thải từ 100 m3/ngày đêm trở lên ra hệ thống Bắc Hưng Hải phải lắp đặt quan trắc tự động trong lộ trình 1 năm tính từ tháng 9/2019.
Các địa phương liên quan tạm thời không cấp phép xả nước thải mới cho các dự án có loại hình, tính chất gây ô nhiễm môi trường có xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải; tạm thời dừng cấp phép đầu tư cho 16 loại hình dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn, xả thải trực tiếp ra hệ thống sông; không quy hoạch các khu xử lý, bãi chôn lấp rác thải dọc hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh; chấm dứt ngay tình trạng thải chất thải rắn bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường...
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Ban quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải; chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan xây dựng quy chế về quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải; tổ chức điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên hệ thống kênh.
Bộ này cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với toàn bộ các khu - cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các khu xử lý rác thải, bãi chôn lấp, các nguồn thải lớn có xả thải ra hệ thống kênh Bắc Hưng Hải và các sông nhánh.
Tương tự, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cần đánh giá toàn diện hiện trạng, chức năng, hiệu quả sử dụng hệ thống Bắc Hưng Hải trong điều kiện hiện tại; khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi theo hướng cập nhật năng lực vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, tránh ứ đọng nước, không lưu thông đặc biệt vào mùa khô; triển khai nạo vét, chỉnh trang, nâng cấp sửa chữa hệ thống đê, cống, trạm bơm và các công trình thủy lợi khác trên hệ thống Bắc Hưng Hải.
Việc điều tiết nước và vận hành các trạm bơm phải có thông báo và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh; ngăn vùng ô nhiễm, không làm ảnh hưởng môi trường mang tính liên tỉnh của sông; kiểm soát nước thải, chất thải trong sản xuất nông nghiệp để có giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, mương tưới tiêu thủy lợi.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần có cơ chế phối hợp, thống nhất với các Bộ và các tỉnh, thành phố trên hệ thống kênh trong công tác thẩm định, cấp phép xả nước thải vào hệ thống, đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm; xác định rõ phạm vi, chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải./.