Kênh đào Panama chính thức mở cửa đón thế hệ tàu siêu tải trọng

Ngày 26/6, kênh đào Panama - con kênh có tuổi đời hơn 100 năm, giữ vai trò huyết mạch nối giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương - đã chính thức được khánh thành và mở cửa trở lại.
Kênh đào Panama chính thức mở cửa đón thế hệ tàu siêu tải trọng ảnh 1Tàu chở hàng Cosco di chuyển qua kênh đào Panama mở rộng ngày 26/6. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 26/6, kênh đào Panama - con kênh có tuổi đời hơn 100 năm, giữ vai trò huyết mạch nối giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương - đã chính thức được khánh thành và mở cửa trở lại sau thời gian nâng cấp để đón các tàu siêu tải trọng thế hệ mới.

Khoảng 8 giờ sáng (giờ địa phương, 20 giờ Hà Nội ngày 26/6), một tàu chở hàng cỡ lớn của Trung Quốc đã trở thành con tàu đầu tiên bắt đầu hành trình dài 80km đi qua kênh đào Panama mở rộng trong nghi lễ ra mắt âu thuyền thứ 3, vừa được hoàn tất xây dựng sau gần hai năm bị chậm tiến độ so với dự kiến.

Nhiều khách mời quốc tế, trong đó có Tổng thống Chile Michelle Bachelet, cùng hàng nghìn người dân Panama đã đồng loạt vỗ tay và reo hò trong âm hưởng hùng tráng của bài quốc ca Panama.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela khẳng định kênh đào Panama mở rộng sẽ mang đến "một tương lai tươi sáng hơn" cho Panama, mặc dù thừa nhận ông từng không ủng hộ dự án này trước khi đắc cử tổng thống.

Kênh đào Panama là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới giúp rút ngắn hành trình giao thông đường biển giữa hai bờ đại dương. Hơn 1.000 lượt tàu hàng đi qua đây mỗi tháng, với tổng lượng hàng hóa 200 triệu tấn/năm.

Kênh đào đã đem lại lợi ích lớn cho Panama, mang về cho quốc gia này khoảng 1 tỷ USD mỗi năm và giúp Panama trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất khu vực.

Dự án mở rộng, nâng cấp kênh đào Panama chính thức khởi công từ năm 2007 với kinh phí đầu tư 5,5 tỷ USD nhằm tiếp nhận các tàu trọng tải cỡ lớn. Theo đó, một âu thuyền thứ 3 được xây dựng giúp tăng gấp đôi công suất khai thác của kênh.

Dự án được kỳ vọng sẽ tối đa hoá vị trí chiến lược của quốc gia để trở thành một trung tâm hàng hải quốc tế và thương mại toàn cầu.

Theo giới chức quản lý kênh đào Panama, tới năm 2021, ước tính kênh đào này sẽ giúp Panama thu về 2,1 tỷ USD từ phí vận chuyển qua con kênh này. Đến nay đã có 170 tàu chở hàng đăng ký sử dụng dịch vụ trong 3 tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.