"Kết luận vội vàng sẽ giết cả một ngành công nghiệp truyền thống"

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, giống như dược liệu, tại các nhà thùng nước mắm trên cả nước cũng có những quy định và chuẩn hóa riêng, từ nhãn hiệu, nguồn gốc, xuất xứ và thành phần rõ ràng.
"Kết luận vội vàng sẽ giết cả một ngành công nghiệp truyền thống" ảnh 1Đại biểu ​Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+

Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ 2, quốc hội khóa 14, đại biểu ​Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giống như dược liệu, tại các nhà thùng nước mắm trên cả nước cũng có những quy định và chuẩn hóa riêng, từ nhãn hiệu, nguồn gốc, xuất xứ và thành phần rõ ràng.

Do vậy, không nên vì những vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, hoặc một lý do nào đó mà kết luật quá vội vàng, vì điều đó có thể giết chết cả một ngành công nghiệp truyền thống.

- Thưa bà, nhiều người dân đang hoang mang về thông tin mà Vinastas đưa ra về nước mắm truyền thống có chứa Asen, với góc độ là một người tiêu dùng thì bà nhìn nhận vấn đề trên như thế nào?

Đại biểu ​Phạm Khánh Phong Lan: Chúng ta đang sống trong xã hội bùng nổ thông tin nên cảm giác đầu tiên khi đối diện với thông tin đó phải hết sức thận trọng, bản thận người tiêu dùng cũng phải thận trọng.

Ở góc độ chuyên môn tôi nhận thấy xã hội có sự phân công và như vậy, cơ quan Quản lý nhà nước mới là đơn vị chính thống để tổng hợp tất cả các thông tin để có những quyết định cảnh báo, bảo vệ người tiêu dùng.

Đương nhiên trong thực tế cũng có những trường hợp, những hành động, những cảnh báo này đôi khi bị chậm, không theo kịp nhưng nếu chậm thì cần khắc phục và làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và nhanh hơn.

Còn vai trò của các Hội cũng rất quan trọng đều là kênh thông tin, nhưng nếu tôi là thành viên của Hội đó, khi có những thông tin như vậy thì tôi sẽ gửi đến cơ quan chức năng và sau đó nếu có phát ngôn cũng cần hết sức thận trọng để phản ánh đúng sự thật.

Ở đây không phải chúng ta bao che bưng bít cho một việc gì đó mà cần tính đến một thực tế, nước mắm bao nhiêu đời nay, ông cha ta đã sử dụng và đã làm. Thực sự với cá nhân thì tôi vẫn ủng hộ nước mắm truyền thống hơn nước mắm công nghiệp.

Nhưng khi xã hội tiến đến xã hội hóa, công nghiệp hóa thì có những vấn đề về lợi nhuận và điều kiện sản xuất thì rõ ràng sản xuất công nghiệp đôi khi chiếm ưu thế hơn, có những lợi thế về thời gian, chi phí để tiếp cận với người tiêu dùng với giá cả phù hợp nhất.

Bản thân tôi cũng làm công tác quản lý về y học cổ truyền với dược liệu, nếu như chúng ta cứ máy móc áp dụng những tiêu chuẩn của tây y vào để đánh giá và xử lý đông y thì đó cũng là một sự khập khiễng mà phải có sự hài hòa.

Quay lại vấn đề nước mắm, tôi cũng theo quan điểm của các nhà khoa học, tức là sẽ là vội vàng nếu đánh giá hàm lượng Asen tổng để cho rằng nước mắm truyền thống độc hại, làm như vậy là chưa đúng.

Không xới lên vấn đề thì thôi, nhưng khi đã xới rồi thì đây nó cũng là một sự kiện và cú hích đề nghị cơ quan quản lý nhà nước mà ở đây là Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm phải có động thái quyết liệt, nhanh hơn và có câu trả lời chính thức để người dân an tâm, sử dụng sản phẩm nào là an toàn.

Nếu nói khơi khơi do một Hội tiêu dùng đưa ra và nói về hàm lượng Asen, khi nghe thạch tín thì ai cũng sợ, nhưng mà trong giới làm khoa học, người làm chuyên môn mới hiểu, Asen hay Thạch tín cũng có nhiều loại, có loại cho phép và có loại không cho phép và việc công bố cũng phải thận trọng.

- Với những vụ việc như vậy, theo bà các cơ quan chức năng cần kiểm soát thông tin như thế nào?

Đại biểu ​Phạm Khánh Phong Lan: Tôi đã nói là việc đưa ra thông tin phải hết sức thận trọng. Trên thị trường mẫu sản phẩm có rất nhiều và không phải chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà bản thân cá nhân nếu như mình cảm thấy lo ngại thì vẫn có quyền mua sản phẩm đó và đem đến một trung tâm hay đơn vị có chức năng kiểm định và phân tích dịch vụ.

Nhưng khi có kết quả thì trên tất cả các mẫu luôn luôn chú thích rõ kết quả này chỉ đúng cho mẫu gửi và không có là bao gồm chung cho toàn bộ sản phẩm trên thị trường.

Ở đây chỉ có cơ quan quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ thì quá trình lấy mẫu trên thị trường họ sẽ lấy mẫu khách quan, vì đây là yêu cầu và khi có kết quả không đạt chất lượng thì lúc đó phải tập trung lấy mẫu đủ một cỡ mẫu cần thiết theo đúng tiêu chuẩn khoa học khi đó mới có quyền kết luận là toàn bộ sản phẩm của đơn vị đó như thế nào, còn với một vài sản phẩm mà do một bên nào đó lấy thì chỉ có giá trị cho mẫu đó thôi.

Thực tế trong câu chuyện nước mắm này cũng vậy, việc kết luận nước mắm chứa Asen như vậy là quá vội vàng.


- Tâm lý người tiêu dùng nói chung đang lo sợ vấn đề vệ sinh An toàn thực phẩm, với tư cách một đại biểu Quốc hội và làm trong lĩnh vực y tế thì bà suy nghĩ thế nào?

Đại biểu ​Phạm Khánh Phong Lan: Chúng ta phải hết sức tỉnh táo vì xã hội luôn luôn vận động và phát triển. Nếu cứ nói khơi khơi thực phẩm của chúng ta không an toàn bằng trước đây thì tôi cũng không dám khẳng định chắc chắn. Nhưng việc phương tiện truyền thông rất phát triển thì chỉ cần một số vụ việc xảy ra thì thông tin đó đến cộng đồng rất nhanh.

Ở đây phải tự bảo vệ mình bằng cách nói không với thực phẩm bẩn với sự hỗ trợ của nhà nước, tức là dùng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, khi thấy cái gì quá rẻ cũng phải đặt dấu hỏi.

Một thực phẩm khi phát hiện sai phạm thì phụ thuộc quá nhiều cơ quan để xử phạt, răn đe, nhưng cha chung không ai khóc trong khi nguồn lực có.

Truyền thông cũng vậy, tôi cảm thấy cần có định hướng, khi có một vụ việc nào đó thì ai cũng hoảng hốt, cùng nhau đưa thông tin lên. Song song với chuyện dập tắt những vi phạm thì chúng ta phải lo xây dựng, ​quan trọng là chúng ta phải có những chuỗi thực phẩm an toàn...

Với tư cách đại biểu Quốc hội lại là phụ nữ tôi chia sẻ thật là đương nhiên tôi rất quan tâm đến vấn đề trên. Tôi đảm bảo đến bây giờ tôi vẫn dùng nước mắm truyền thống.

- Xin cảm ơn bà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.