Kết nối cung cầu để người lao động tiếp cận nhiều hơn với hàng Việt

Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt tại thị trường trong nước là hoạt động triển khai chương trình kích cầu nội địa nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong bối cảnh dịch.
Kết nối cung cầu để người lao động tiếp cận nhiều hơn với hàng Việt ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sáng 11/12, tại Hà Nội, Công đoàn Bộ Công Thương phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt tại thị trường trong nước.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt tại thị trường trong nước là hoạt động triển khai chương trình kích cầu nội địa theo Kế hoạch hành động của ngành công thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, đây cũng là hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và hỗ trợ người lao động.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cùng với các hoạt động, thời gian qua Bộ Công Thương đã tổ chức các chuyến đưa hàng về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và khu công nghiệp, khu chế xuất thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và Chương trình Bình ổn thị trường với gần 4.000 đợt bán hàng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tiến hành xây dựng các mô hình thí điểm Điểm bán hàng cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam,” triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;” trong đó nhiều điểm bán hàng được thiết lập tại khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, hàng hóa chủ yếu phục vụ công nhân và người lao động.

[Kích cầu nội địa thúc đẩy thị trường trong nước phát triển]

Đặc biệt, hưởng ứng chương trình phúc lợi đoàn viên do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phát động, nhiều doanh nghiệp ngành công thương như Petrolimex, Saigon Co.op, Hapro, PVOil, Vinatex, Nutifood…đã tham gia ký kết với Tổng liên đoàn với cam kết cung ứng hàng hoá thiết yếu Việt Nam chiết khấu ưu đãi.

Những hoạt động này đã mang lại kết quả tích cực và nâng cao nhận thức người tiêu dùng Việt Nam, nhất là người lao động, công nhân trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối đã có thêm sự liên kết, thiết lập các hình thức bán hàng với giá ưu đãi cho đoàn viên, người lao động thuộc công đoàn công thương.

Mặt khác, để đem lại lợi ích thiết thực cho các đoàn viên, người lao động, nhiều chương trình bán hàng giảm giá đã được tổ chức với mục đích giúp họ tiếp cận với hàng hóa sản xuất trong nước chất lượng tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tin tưởng thông qua các chương trình kích cầu nội địa, phúc lợi đoàn viên đem lại hiệu quả khả quan, góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vượt qua đại dịch COVID-19 cũng như phục hồi kinh tế đất nước, phấn đấu đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Chia sẻ về mô hình cung ứng sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu được phối hợp giữa công đoàn cơ sở và doanh nghiệp ngành công thương, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, qua thực tiễn triển khai, thời gian qua Bộ Công Thương đã ghi nhận sự xuất hiện của nhóm mô hình cung ứng là các siêu thị công đoàn của các công ty, nhà máy.

Chẳng hạn như siêu thị công đoàn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sài Gòn W-Mart thuộc Công ty cổ phần Sao Việt, Công ty Pung Kook Sài Gòn 2 tại Bình Dương hay mô hình siêu thị trong nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn may Tinh Lợi tỉnh Hải Dương.

Cùng với đó, nhóm mô hình cung ứng theo hình thức phát voucher và đưa đón công đoàn viên là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp đến mua sắm tại cơ sở cung ứng.

Mô hình này được triển khai rộng khắp tại Tổng công ty Thương mại Hà Nội với chương trình giảm 0,3% giá trị toàn bộ đơn hàng cho người mua có thẻ đoàn viên công đoàn, đưa đón công nhân đến mua sắm tại chuỗi cung ứng của Big C Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình hay Công ty MobiFone dành riêng nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các thành viên công đoàn.

Những mô hình này đã tạo điều kiện cho công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp tiết kiệm thời gian, qua đó có thể làm tăng ca, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, để hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và hỗ trợ đội ngũ công nhân, người lao động đi vào chiều sâu với hiệu quả cao, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các tổ chức công đoàn trực thuộc cần hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, kết nối cung cầu trong khuôn khổ hoạt động Cuộc vận động, thực hiện tốt mục tiêu quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên, công nhân và người lao động.

Về phía Bộ Công Thương, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng cần phối hợp tốt với các đơn vị liên quan thực hiện chương trình, đề án mà Bộ Công Thương đang chủ trì gắn với đối tượng phục vụ là công đoàn viên, người lao động.

Ngoài ra, Bộ cần nghiên cứu và xây dựng cơ chế, chính sách cũng như tổ chức mạng lưới bán hành mới nhằm giúp công nhân, người lao động có thu nhập thấp tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức triển khai kế hoạch bán hàng Việt với giá ưu đãi cho người lao động và đoàn viên công đoàn trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, theo ông Hoàng Anh Tuấn, các doanh nghiệp cũng cần cập nhật thông tin, nâng cấp dịch vụ chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nói chung và công nhân nói riêng.

Cùng với đó, ngoài việc bán hàng giảm giá, các doanh nghiệp nên có những chính sách ưu tiên hàng hoá sản xuất trong nước để khuyến khích tạo ra những sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh, an toàn thực phẩm và nhất là nguồn gốc rõ ràng nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm của doanh nghiệp cũng như thúc đẩy kinh tế phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.