Kết nối đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản

Hải Phòng hiện có hơn 500 chuyên gia Nhật Bản sinh sống và làm việc; các doanh nghiệp Nhật Bản đã thực sự trở thành một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế thành phố Cảng.
Kết nối đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản ảnh 1Quang cảnh chương trình. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều 19/7, thành phố Hải Phòng, sự kiện "Kết nối đầu tư, kinh doanh Việt Nam-Nhật Bản" đã diễn ra với sự tham dự của hơn 30 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Sự kiện còn có sự tham dự của các thành viên của Tổ công tác Nhật Bản đại diện cho các sở, ngành của thành phố, đại diện các tổ công tác Saitama Desk, Aichi Desk, Kansai Desk, chuyên gia JICA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI tại Hải Phòng và một số công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp.

Sự kiện là dịp để chủ doanh nghiệp và nhà điều hành Nhật Bản và Việt Nam tiếp cận đúng đối tác, khách hàng tiềm năng thông qua mạng lưới các doanh nghiệp uy tín; tìm thấy các mối quan hệ và nhà đầu tư chất lượng; tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian cho các doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành khẳng định Hải Phòng nằm trong vùng năng động nhất của Việt Nam hiện nay. Hải Phòng có nhiều lợi thế vượt trội trong hội nhập quốc tế, là đầu mối giao thông, giao lưu thuận lợi với tất cả các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Do vậy, Hải Phòng từ lâu đã là địa chỉ hấp dẫn, quen thuộc đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hải Phòng luôn nằm trong tốp đầu các địa phương của Việt Nam có kết quả thu hút tốt. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 553 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 15,7 tỷ USD. Các dự án tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp (76,49%), cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản (18,22%), thương mại (2,8%), dịch vụ (2,17%), các lĩnh vực khác (0,38%).

Trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại thành phố, FDI Nhật Bản đứng đầu về số dự án và đứng thứ hai về số vốn đầu tư (sau Hàn Quốc) với 137 dự án đầu tư FDI của các nhà đầu tư Nhật Bản, tổng số vốn đầu tư 4,6 tỷ USD (24,77% số dự án và 29,29% tổng vốn đầu tư còn hiệu lực).

[Đối thoại kinh tế Việt-Nhật: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai nước]

Dự án FDI Nhật Bản chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp với 101 dự án, vốn đầu tư 3,63 tỷ USD, chiếm 73,7% số dự án và 79,08% số vốn đầu tư FDI Nhật Bản.

Sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Nhật Bản luôn được đánh giá cao, nghiêm túc trong chấp hành chính sách pháp luật về đầu tư, môi trường, phòng chống cháy nổ, dự án đầu tư có chất lượng tốt, góp phần nâng cao ý thức làm việc và chất lượng lao động của thành phố.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản đã quan tâm và hỗ trợ thành phố Hải Phòng trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật (cầu, đường, cải tạo cảng Hải Phòng, thoát nước mưa, nước thải, quản lý chất thải rắn) thông qua việc cung cấp nguồn vốn ODA.

Hải Phòng hiện có hơn 500 chuyên gia Nhật Bản sinh sống và làm việc, cùng hàng nghìn lượt chuyên gia thường xuyên qua lại và công tác tại thành phố. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã thực sự trở thành một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế thành phố Cảng.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam tại Hải Phòng cũng đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Hải Phòng đã thu hút được những dự án lớn từ các tập đoàn lớn, có uy tín trong nước như: Vingroup, Him lam, Sungroup, FLC, Flamigo đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng xã hội, đánh thức tiềm năng về phát triển du lịch mà lâu nay là điểm hạn chế của Hải Phòng như: các khu vui chơi giải trí cao cấp, các khu nhà ở thương mại cao cấp, các khách sạn 5 sao, bệnh viện và trường học tiêu chuẩn quốc tế.

Hải Phòng còn có dự án nhà máy sản xuất ôtô, xe máy điện Vinfast của tập đoàn Vingroup - một dự án không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội của thành phố mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với nền sản xuất công nghiệp ôtô nội địa của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.