Kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với vùng Emilia Romagna

Từ hơn 10 năm nay, với các hoạt động hợp tác kinh tế với Việt Nam phát triển ngày càng sôi động, vùng Emilia Romagna hiện đóng góp hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu của Italy vào Việt Nam.
Kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với vùng Emilia Romagna ảnh 1Quang cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa Bình Phước với doanh nghiệp Italy. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong các ngày 8-9/11, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã có chuyến công tác đến vùng Emilia Romagna thuộc miền Bắc Italy và trực tiếp tham dự chuỗi các hoạt động kết nối giữa chính quyền, doanh nghiệp vùng này với các địa phương, doanh nghiệp đối tác phía Việt Nam.

Phát biểu tại “Hội thảo xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Bình Phước và vùng Emilia Romagna,” diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến sáng 8/11, Đại sứ Dương Hải Hưng nhấn mạnh sự hiện diện của các lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Liên đoàn các phòng Thương mại Emilia Romagna và Tổng Công ty Becamex IDC cùng đông đảo các doanh nghiệp vùng Emilia Romagna và Việt Nam tại hội thảo là minh chứng sống động về sự hợp tác năng động, tích cực giữa hai nước.

Đại sứ nêu bật nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống và quyết tâm chính trị là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Italy tiếp tục phát triển.

Italy đã chọn Việt Nam là một trong 20 nước ưu tiên về thúc đẩy thương mại-đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn với Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam như sự ổn định chính trị, lực lượng lao động vàng, môi trường kinh doanh thuận lợi, những ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) cùng mạng lưới 15 hiệp định FTA mà Việt Nam đã là thành viên.

[Việt Nam và Italy kết nối hợp tác trong lĩnh vực sản xuất tơ lụa]

Nhất trí với phát biểu của ông Trần Văn Mi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước về tiềm năng, định hướng và cơ hội đầu tư của tỉnh Bình Phước, Đại sứ Dương Hải Hưng bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp Italy đầu tư vào những lĩnh vực mà tỉnh Bình Phước đang quan tâm như: công nghệ cao, thân thiện với môi trường; dịch vụ tài chính, logistics; các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao..., phù hợp với những lĩnh vực thế mạnh của vùng Emilia Romagna.

Đại sứ khẳng định Đại sứ quán Việt Nam coi ngoại giao kinh tế là ưu tiên hàng đầu, sẵn sàng tích cực hỗ trợ và đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp hai nước khai thác hiệu quả thị trường, cơ hội đầu tư kinh doanh giữa hai bên.

Tại cuộc gặp Thị trưởng Bologna, ông Matteo Lepore, Đại sứ Dương Hải Hưng thông báo quan hệ Việt Nam và Italy đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay, nhấn mạnh tình cảm hữu nghị truyền thống, quan hệ đối tác chiến lược là nền tảng vững chắc để hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà thành phố Bologna có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, đặc biệt là hợp tác doanh nghiệp vừa và nhỏ, chế tạo máy, sản xuất công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Ông Lepore khẳng định chính quyền thành phố sẵn sàng đồng hành cùng đoàn doanh nghiệp Bologna sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư; nhất trí sẽ hỗ trợ Đại sứ quán tổ chức các hoạt động kinh tế, văn hoá Việt Nam tại Bologna trong năm 2023, nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Đến thăm ông Romano Prodi, nguyên Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và nguyên Thủ tướng Italy, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Italy-ASEAN, Đại sứ Dương Hải Hưng cám ơn sự đóng góp quan trọng của ông Prodi trong việc thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Italy nói riêng và với EU nói chung; đề nghị ông Prodi, bằng uy tín và ảnh hưởng của mình, giúp thúc đẩy Quốc hội Italy sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA), tạo thuận lợi cho đầu tư giữa hai nước, tác động EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam và triển khai một số sáng kiến trong khuôn khổ quan hệ đối tác phát triển Italy-ASEAN.

Ông Romano Prodi cho biết luôn dành tình cảm tốt đẹp nhất cho Việt Nam, khẳng định sẽ làm hết sức mình để tiếp tục đóng góp vào sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Italy và với EU, sẽ phối hợp cùng Đại sứ quán triển khai các hoạt động thúc đẩy quan hệ Italy-ASEAN.

Tham dự buổi gặp mặt theo lời mời của Câu lạc bộ Rotary Bologna vào tối 8/11, Đại sứ Dương Hải Hưng thông báo những nét lớn về tình hình Việt Nam sau 35 năm Đổi mới, cho biết trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song Việt Nam vẫn là điểm sáng của kinh tế thế giới với tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Đại sứ Dương Hải Hưng nhấn mạnh những bước phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam-Italy hiện nay, cho rằng các điểm tương đồng và bổ sung giữa hai nước cũng như chiều hướng tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp sẽ là chất xúc tác thúc đẩy hợp tác song phương ngày càng phát triển.

Đại sứ giải đáp nhiều câu hỏi của các hội viên về chính sách kinh tế và lập trường của Việt Nam trong những vấn đề khu vực, quốc tế.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Đại sứ Dương Hải Hưng còn tham dự Triển lãm quốc tế máy nông nghiệp - EIMA diễn ra từ 9-11/11 tại Bologna. Đây là triển lãm lớn nhất trong lĩnh vực máy nông nghiệp và làm vườn của Italy do Liên đoàn các nhà sản xuất máy nông nghiệp Italy (FederUnacoma) tổ chức định kỳ hai năm một lần, với sự tham gia của gần 2.000 nhà sản xuất máy nông nghiệp từ Italy và 60 nước khác.

Emilia Romagna là vùng kinh tế lớn và phát triển năng động hàng đầu tại Italy. Đây cũng là nơi hội tụ nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tiên phong về công nghệ, với mạng lưới sản xuất tiên tiến, từ cơ khí chế tạo máy cao cấp, chế tạo ôtô, nông nghiệp, thời trang đến xây dựng, kỹ thuật y sinh, công nghệ xanh và cơ điện tử.

Địa phương này cũng được mệnh danh là "thung lũng ôtô" với sự hiện diện của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Ferrari, Ducati, Maserati, Lamborghini.

Bên cạnh đó, Emilia Romagna còn được biết đến với nhiều đặc sản nông nghiệp truyền thống nổi tiếng như phomai Parmigiano, thịt nguội Parma, rượu vang…

Từ hơn 10 năm nay, với các hoạt động hợp tác kinh tế với Việt Nam phát triển ngày càng sôi động, vùng Emilia Romagna hiện đóng góp hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu của Italy vào Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.