Kết nối doanh nghiệp với địa phương trong thời đại công nghệ số

Diễn đàn quốc tế Franconomics kết nối đại học-doanh nghiệp-địa phương tại Hưng Yên tập trung trao đổi về một số khía cạnh quan trọng của công nghệ số trong phát triển kinh tế.
Kết nối doanh nghiệp với địa phương trong thời đại công nghệ số ảnh 1Toàn cảnh diễn đàn. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

Công nghệ số là công cụ chiến lược để cải thiện năng suất của các doanh nghiệp, phục vụ cho việc xây dựng nền kinh tế thông minh cho một xã hội thông minh.

Đây là vấn đề được bàn luận sôi nổi tại Diễn đàn quốc tế Franconomics kết nối đại học-doanh nghiệp-địa phương do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên và Viện Quốc tế Pháp ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 24/10, tại Hưng Yên.

Với chủ đề "Công nghệ số cho sự phát triển kinh tế xã hội thông minh," diễn đàn là cuộc đối thoại đa ngành về ứng dụng công nghệ số đối với sự phát triển kinh tế.

Diễn đàn có sự tham dự của các nhà khoa học, doanh nghiệp, chuyên gia hoạch định chính sách trong và ngoài Cộng đồng Pháp ngữ, đến từ hơn 30 quốc gia và hơn 60 doanh nghiệp trong nước.

[Franconomics 2019: Công nghệ số cho sự phát triển kinh tế-xã hội]

Các tham luận tại diễn đàn tập trung trao đổi về một số khía cạnh quan trọng của công nghệ số trong phát triển kinh tế như mô hình kinh doanh mới; sự thay đổi môi trường sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp, du lịch, công nghiệp; phát triển công nghệ và ứng dụng tại các thị trường mới nổi; ứng dụng hệ sinh thái IoT trong cuộc sống; công nghệ truyền thông mới; xu hướng tương lai của công nghệ thông tin...

Ông Furuta Moto, Hiệu trưởng trường Đại học Việt Nhật cho biết nhà trường đã liên kết hợp tác với các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Học viên của trường thường xuyên được tiếp cận kiến thức từ các chuyên gia của các tập đoàn lớn như Shimadzu, Yoshinoya Holdings...

Thông qua hợp tác, sinh viên được trưởng thành từ thực tế tại các doanh nghiệp, xây dựng được những dự án phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với xu thế thị trường trong thời đại công nghệ số. Đó cũng là một trong những yếu tố để trường Đại học Việt Nhật phấn đấu xây dựng thành trường Đại học hàng đầu châu Á trong lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến, phục vụ nền kinh tế hiện đại bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho rằng tri thức kỹ thuật công nghệ cao từ hệ thống các trường đại học trong và ngoài nước sẽ được triển khai vào nền kinh tế hiện nay thông qua sự tiếp nhận của cộng đồng doanh nghiệp, của chính quyền trung ương và các địa phương, qua đó thúc đẩy tăng năng suất lao động, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp nói riêng và cạnh tranh quốc gia nói chung.

Qua diễn đàn này, cộng đồng doanh nghiệp Hưng Yên sẽ có cơ hội tiếp nhận công nghệ kỹ thuật số tiên tiến và những chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nhanh chóng đổi mới doanh nghiệp theo hướng thông minh hơn, tăng khả năng cạnh tranh, hội nhập sâu và hiệu quả vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên khẳng định diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia, các doanh nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ được tiếp cận, tìm hiểu về tiềm năng của tỉnh Hưng Yên để tham gia đầu tư.

Hưng Yên nằm ở trung tâm tam giác kinh tế Đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp, với hạ tầng giao thông hiện đại, như Quốc lộ 5, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chạy qua.

Tỉnh Hưng Yên hiện có 9 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích hơn 2.000ha. Đáng chú ý, Khu công công nghiệp đô thị và dịch vụ Lý Thường Kiệt 3.000ha - dự án chiến lược của tỉnh Hưng Yên - là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, với vị trí thuận lợi, giao thông đồng bộ, hạ tầng hiện đại, đầy đủ các tiện ích.

Hưng Yên còn có khu đô thị đại học Phố Hiến nằm ngay trung tâm thành phố Hưng Yên. Việc thu hút các trường đại học tại đây sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ mỗi năm, diễn đàn sẽ được tổ chức ở một địa phương khác nhau của Việt Nam để tạo cơ hội cho địa phương giới thiệu với các doanh nghiệp về hình ảnh, các tiềm năng phát triển kinh tế của mình, nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo cơ hội quảng bá du lịch và xuất khẩu các sản phẩm địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.