Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm là hai trong sáu cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng được Chính phủ ưu tiên triển khai để tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử và chuyển đổi số của Quốc gia. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá về việc kết nối hai cơ sở dữ liệu quan trọng này.
- Xin ông cho biết việc thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay đang được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện như thế nào?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an đã cử đầu mối phối hợp để thực hiện kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý. Đây là hai trong số sáu cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng được Chính phủ ưu tiên triển khai để tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử và chuyển đổi số của quốc gia.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam rất vinh dự là đơn vị đầu tiên ngoài ngành Công an được Bộ Công an lựa chọn và triển khai dịch vụ kết nối và xác thực dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu thành công sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ cho việc triển khai nghiệp vụ của hai ngành mà còn là tiền đề để triển khai đầy đủ các dịch vụ dữ liệu trên các cơ sở dữ liệu quốc gia và sẵn sàng để kết nối, chia sẻ cho các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.
[WB tiếp tục giúp Việt Nam giải quyết vấn đề cốt lõi trong an sinh XH]
- Những kết quả ban đầu từ việc kết nối tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu về dân cư và bảo hiểm xã hội đã đạt được như thế nào, thưa ông?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Chỉ trong thời gian ngắn, hai ngành đã có những bước phối hợp nhanh, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định hiện hành về kết nối và chia sẻ dữ liệu để hoàn tất việc kết nối, qua đó đã khai thác được dịch vụ xác thực thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm thực hiện xác thực đối với thông tin nhân khẩu thuộc cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (đối với các trường hợp có dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư), qua đó rà soát, đối chiếu, chuẩn hóa dữ liệu nhân khẩu trong dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tính đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện việc rà soát đối chiếu với 8,1 triệu thông tin cá nhân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngày 28/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chính thức triển khai việc xác thực thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi công dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội trên Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam và trên ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số của ngành. Khi công dân sử dụng căn cước công dân để đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống tự động đối chiếu, xác thực thông tin do công dân kê khai, thông tin trong cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý (họ tên, số căn cước công dân, ngày sinh, giới tính) với thông tin được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bước xác thực trên đã làm tăng tính chính xác của thông tin do đối chiếu được với thông tin gốc của người dân đồng thời cá nhân không cần phải cập nhật ảnh căn cước công dân đính kèm, cơ quan bảo hiểm xã hội không phải lưu giữ ảnh căn cước công dân, qua đó góp phần giảm nguy cơ lộ lọt thông tin, giấy tờ cá nhân. Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này đã có khoảng 400.000 lượt đăng ký được xác thực.
- Trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ kết nối tích hợp, chia sẻ dữ liệu thêm những dịch vụ nào với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thưa ông?
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: Trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục kết nối, khai thác, chia sẻ, đồng bộ với dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hoàn thiện các thông tin gốc trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Bên cạnh đó, rà soát rút gọn quy trình, cải cách thủ tục hành chính để bỏ các yêu cầu đính kèm giấy tờ tùy thân đối với cá nhân đã được xác thực thông tin.
Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đề xuất mã bảo hiểm xã hội và số thẻ bảo hiểm y tế có thể đồng bộ với số thẻ căn cước công dân đã gắn chip mà Bộ Công an đã và đang triển khai. Khi đã đồng bộ, người dân có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thẻ bảo hiểm y tế để đi khám, chữa bệnh, hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm điện tử trên ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Điều này mang lại rất nhiều tiện lợi cho công dân.
Một điểm nữa mà chúng tôi hết sức quan tâm và sẽ triển khai, đó là trên cơ sở hệ thống dữ liệu đã được đồng bộ, chuẩn hóa, sạch và khá đầy đủ, chúng tôi sẽ ứng dụng các sinh trắc học, các phần mềm nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nhận diện, giám sát, kiểm tra, quản lý, chống trục lợi, lãng phí trong việc thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Công nghệ sinh trắc xác thực vân tay của người dân trên thẻ căn cước công dân gắn chíp sẽ được ứng dụng vào việc chống lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Khi ứng dụng được công nghệ này, người dân không thể mượn thẻ của người khác để lạm dụng trục lợi quỹ hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh hay khi hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
- Xin cảm ơn ông!