Kết nối phát triển trí tuệ nhân tạo để ứng phó với đại dịch COVID-19

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020 đặt vấn đề tìm giải pháp để ứng dụng trí tuệ nhân tạo kết nối sự trở lại cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sự trở lại của nền kinh tế sau dịch COVID-19.
Quang cảnh lễ khai mạc Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Quang cảnh lễ khai mạc Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo ứng phó với đại dịch COVID-19,” Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2020) diễn ra trong hai ngày 27-28/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam được kỳ vọng trở thành một trong những nền tảng, động lực thúc đẩy sự lan tỏa và phát triển công nghệ AI cho Việt Nam thông qua kết nối các thành phần trong hệ sinh thái, từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, startup đến cộng đồng AI.

Sự kiện nhằm mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI trong nhiều ngành kinh tế-xã hội trọng yếu của Việt Nam như y tế, giáo dục, kinh doanh, thương mại, tài chính, nông nghiệp...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ hiện nay, tiếp cận với AI không chỉ là câu chuyện của các nhà nghiên cứu, nhà toán học, nhà công nghệ thông tin mà AI cần được tiếp cận ở góc độ rộng hơn là quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng và nguồn tài sản mới ngày nay là dữ liệu.

[Robot sẽ làm biến mất 85 triệu việc làm ở các doanh nghiệp lớn và vừa]

Theo ông Bùi Thế Duy, nếu trước đây Việt Nam mất hơn 10 năm để quảng bá, triển khai việc học E-learning, thì chỉ trong tháng 3/2020 do ảnh hưởng dịch COVID-19, việc học trực tuyến được triển khai đồng loạt cấp tiểu học, trung học đến bậc đại học.

Các cơ quan nhà nước cũng có sự thay đổi khi các sự kiện, hội họp đều chuyển sang phương thức trực tuyến.

Kết nối phát triển trí tuệ nhân tạo để ứng phó với đại dịch COVID-19 ảnh 1 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ngày hội lần này đặt vấn đề tìm giải pháp để ứng dụng trí tuệ nhân tạo kết nối sự trở lại cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sự trở lại của nền kinh tế.

Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho biết, những năm qua, thành phố đã triển khai đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh; mới đây nhất, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Chương trình chuyển đổi số.

Đây là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên phê duyệt Chương trình chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, trong đó trọng tâm là chương trình thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn kết nối các nguồn lực từ cộng đồng quốc tế, các bộ, ngành và cộng đồng nghiên cứu khoa học trí tuệ, sáng tạo để hỗ trợ thành phố trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo và đặc biệt là ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực quản trị nhà nước, dịch vụ công, sản xuất kinh doanh và lĩnh vực trong đời sống, xã hội.

Đóng góp ý kiến bằng hình thức trực tuyến, Giáo sư Yoshua Benjo, thành viên sáng lập hãng Element AI (Canada), cho rằng việc xây dựng thế mạnh tri thức trong các lĩnh vực, trong đó có AI rất quan trọng với các nước đang phát triển.

Bởi trong tương lai phát triển kinh tế luôn gắn liền với phát triển công nghệ. Công nghệ sẽ tạo ra nhiều thay đổi cho nền kinh tế cũng như tạo ra nhiều dịch vụ, sản phẩm mới. Nhân lực AI do đó phải có nền tảng cơ bản về khoa học máy tính và toán tốt.

Cùng nhận định này, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Minh Triết (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, đào tạo là một trong những vấn đề cần được tập trung.

Đối với cả học sinh, sinh viên cũng như những người đang đi làm thì những nội dung liên quan đến tri thức về AI cũng như các kỹ năng, kinh nghiệm để sử dụng AI phục vụ cho cuộc sống cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm.

Trong hai ngày Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam sẽ có 6 phiên tọa đàm chuyên đề về ứng dụng trí tuệ nhân tạo gồm các chủ đề: AI trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; AI trong lĩnh vực y tế; AI trong doanh nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực AI; Xây dựng hệ sinh thái AI tại Thành phố Hồ Chí Minh; Hệ thống cơ sở hạ tầng tính toán cho AI như máy tính hiệu năng cao, triển vọng máy tính lượng tử…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.