Kết nối xúc tiến đầu tư-thương mại Thái Bình với doanh nghiệp Hoa Kỳ

Chiều 28/4, tại Thái Bình, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh, Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Việt Nam tổ chức tọa đàm kết nối xúc tiến đầu tư-thương mại giữa tỉnh Thái Bình và Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Kết nối xúc tiến đầu tư-thương mại Thái Bình với doanh nghiệp Hoa Kỳ ảnh 1Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Chiều 28/4, tại thành phố Thái Bình, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức tọa đàm kết nối xúc tiến đầu tư-thương mại giữa tỉnh Thái Bình và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của hai bên; hỏi đáp, trao đổi các nội dung hai bên quan tâm, cần hợp tác.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn đã giới thiệu Thái Bình có nhiều lợi thế để các nhà đầu tư đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thái Bình có vị trí địa lý thuận lợi, địa hình bằng phẳng, nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và gần các trung tâm kinh tế phía Bắc Việt Nam, hệ thống giao thông đường bộ, đường sông, đường biển thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế.

Thái Bình có nguồn khí mỏ tự nhiên ở thềm lục địa đã được khai thác, dẫn vào khu vực ven biển của tỉnh, với sản lượng bình quân 200 triệu m3 khí/năm, phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp.

Thái Bình có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao; có Trung tâm điện lực với quy mô công suất 1.800MW, đã hòa lưới điện quốc gia, sẽ bảo đảm nhu cầu sử dụng điện cho Thái Bình và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, Thái Bình đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình, có diện tích hơn 30.583ha nằm ở khu vực ven biển với vị trí rất thuận lợi, kết nối với các nước trên thế giới.

Thái Bình còn có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 thuộc nhóm Khá của cả nước, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2019; Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 20/63, tăng 13 bậc so với năm 2019.

[Cơ hội vàng hợp tác thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ sau đại dịch COVID-19]

Với các tiềm năng, lợi thế này, Thái Bình mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hoa Kỳ trên lĩnh vực ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp; điện khí và điện gió theo quy hoạch; các dự án công nghệ cao, năng lượng sạch; dự án sản xuất dược phẩm, thiết bị y tế; các dự án giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư các dự án phát triển hạ tầng du lịch.

Ông John Rockhold, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam đánh giá cao việc Bộ Ngoại giao Việt Nam và tỉnh Thái Bình tổ chức sự kiện này, giúp cung cấp những hiểu biết quan trọng về chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng, tính minh bạch và các chỉ số then chốt để các thành viên của AmCham đưa ra quyết định kinh doanh sáng suốt về đầu tư tại Thái Bình.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam khuyến khích chính quyền tỉnh Thái Bình quan tâm đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tăng sự hấp dẫn của tỉnh đối với nhà đầu tư. Thái Bình có tiềm năng, lợi thế về khí tự nhiên, năng lượng Mặt Trời, gió, nếu kết hợp các yếu tố này, hướng đến khu kinh tế của Thái Bình và nếu đưa các năng lượng này vào lưới điện thông minh sẽ thu hút được những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thu hút được các công ty của Mỹ và cả những doanh nghiệp đến từ Nhật, Hàn Quốc...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định buổi tọa đàm đã mở ra nhiều phương hướng phát triển giữa tỉnh Thái Bình với các đối tác Hoa Kỳ trong tương lai; mong muốn Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các tài liệu giới thiệu về tỉnh Thái Bình, về các dự án, ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh đang tập trung, nỗ lực thu hút đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là thu hút đầu tư vào khu kinh tế và các khu công nghiệp của tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cam kết luôn đồng hành với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương, đơn vị tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến nghiên cứu đầu tư, thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh tại Thái Bình.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng đề nghị Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và các doanh nghiệp Hoa Kỳ trao đổi với các đối tác doanh nghiệp Thái Bình các yêu cầu kỹ thuật, thuế quan, nhập khẩu của phía Hoa Kỳ, đặc biệt nắm bắt xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó định hướng được sản phẩm xuất khẩu đạt yêu cầu thị trường Hoa Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.