Kết quả xác minh vụ việc phế phẩm càphê nhuộm pin và sỏi đá

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết qua xác minh, số hồ tiêu có phế phẩm càphê nhuộm pin, do cơ sở Thảo Dung phối trộn, chưa bán trực tiếp cho người tiêu dùng cũng như để xuất khẩu.
Kết quả xác minh vụ việc phế phẩm càphê nhuộm pin và sỏi đá ảnh 1Lực lượng chức năng kiểm tra kho hồ tiêu Công ty Thảo Dung. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Bộ đã có báo cáo đến Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về kết quả xác minh vụ việc nhuộm phế phẩm càphê, sỏi đá bằng bột pin tại Đắk Nông.

Kết quả xác minh như sau ngày 15/4 cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Loan (thôn 3, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đăk Nông) làm chủ. Kết quả kiểm tra cho thấy cơ sở này không có đăng ký sơ chế, chế biến nông sản, mà chỉ có giấy chứng nhận hộ kinh doanh với ngành nghề thu mua nông sản.

Ở thời điểm kiểm tra, cơ sở này có nhiều bao đựng hỗn hợp vỏ càphê, sỏi đá nhỏ (kích thước 0,5-3mm) nhuộm lõi pin đã được sấy khô với khối lượng gần 21,3 tấn.

Khi kiểm tra kho, cơ quan chức năng phát hiện kho có khoảng 4 tấn đá sỏi, 300kg vỏ càphê, 40 lít dung dịch màu đen, 1 cối trộn bê tông, 192kg lõi pin và 35 kg vỏ pin được đập dập. Cơ sở này không có và không treo biển hiệu theo quy định.

[Bình Phước khẳng định ''hỗn hợp trộn pin'' chưa đưa ra tiêu thụ]

Cũng theo lời khai của bà Loan, cơ sở này đã bán 3 tấn hỗn hợp trên cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại và Dịch vụ Thảo Dung (ở khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) và đã dùng khoảng 1,5 tấn để trộn với 7,5 tấn hạt hồ tiêu xô khô để được 9 tấn tiêu (đây là loại tiêu chưa phân tách thành các loại tiêu trắc, tiêu lửng, tiêu lép). Số tiêu này tiếp tục được bán lại cho cơ sở thu gom khác để sơ chế, chế biến và phân loại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết qua xác minh, số hồ tiêu do cơ sở Thảo Dung phối trộn nói trên chưa bán trực tiếp cho người tiêu dùng cũng như để xuất khẩu. Số còn lại khoảng 1,5 tấn (trong số 3 tấn) khi có tin cơ sở bà Loan bị phát hiện vi phạm ở Đắk Nông, bà Dung đã trộn với vôi, kali và phân lợn rồi giấu trong lô cây cao su với mục đích tẩu tán tang vật. Cơ quan công an thu giữ toàn bộ số hàng này để phục vụ điều tra.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua các đợt kiểm tra do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông từng phát hiện trường hợp càphê kém chất lượng (có hàm lượng cafein thấp) nhưng chưa từng phát hiện sự việc tương tự trên địa bàn tỉnh.

Từ kết quả xác minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an sớm kết luận điều tra, xử lý vụ việc và công bố công khai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị cơ quan chức năng các tỉnh tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến, càphê, hồ tiêu, hạt điều và các nông sản khác; trong đó, chú trọng hoạt động thanh kiểm tra điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản nguyên liệu, thành phẩm.

Các địa phương đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết chuỗi, phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn; triển khai kế hoạch giám sát chủ động đối với các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục