Kết quả xếp hạng địa phương về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản

Trong nhóm các tỉnh xếp thuộc nhóm triển khai tốt trong quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, Hà Nội xếp vị trí số 1 với điểm số 91,5/100.
Kết quả xếp hạng địa phương về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản ảnh 1Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra mặt hàng thịt tươi sống tại huyện Hoa Lư, Ninh Bình. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa thông báo kết quả xếp hạng về triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản năm 2019 của các địa phương.

Năm 2019, có 16 tỉnh, thành phố được xếp hạng vào nhóm triển khai tốt; 45 tỉnh, thành phố vào nhóm địa phương triển khai đạt yêu cầu và có 2 địa phương là Đồng Tháp và Bình Dương không thuộc nhóm xếp hạng nào do Bộ không nhận được hồ sơ tự chấm điểm của địa phương.

Năm 2018 có 18 địa phương thuộc nhóm triển khai tốt thì năm 2019 chỉ có 16 địa phương. Trong nhóm các tỉnh xếp thuộc nhóm triển khai tốt trong quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, Hà Nội xếp vị trí số 1 với điểm số 91,5/100. Tiếp theo là Bạc Liêu, Nam Định, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Bình, Sóc Trăng, Long An, Hà Nam, Phú Thọ, Tiền Giang, Hà Giang, Đồng Nai, Trà Vinh với điểm từ 80,5-90,5/100.

Như vậy, Hà Nội từ vị trí số 11 (năm 2018) đã vươn lên trở thành vị trí số 1 (năm 2019) với số điểm từ 83 lên 91,5/100.

[4 trường hợp được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm trước thông quan]

Nam Định là địa phương tuy có nhiều nỗ lực làm tốt trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng năm 2019 vẫn chỉ đạt 90 điểm bằng số điểm năm 2018. Do đó, Nam Định đã từ vị trí số 1 (năm 2018) xuống vị trí số 3 (năm 2019).

Bạc Liêu vẫn giữ ở vị trí số 2 như năm trước nhưng địa phương này đã có số điểm cao hơn so với năm 2018, đạt 90,5/100.

Đáng chú ý trong bảng xếp hạng là Lào Cai từ vị trí số 3 với 88 điểm trong năm 2018 thì năm 2019 đã “rơi xuống” vị trí thứ 46 với 71 điểm. Tức là từ nhóm địa phương triển khai tốt xuống nhóm địa phương triển khai đạt yêu cầu.

Nhiều địa phương khác như Thừa Thiên-Huế, Quảng Ninh, Lai Châu, Hậu Giang, Hà Tĩnh, Khánh Hòa cũng từ nhóm nhóm địa phương triển khai tốt xuống nhóm địa phương triển khai đạt yêu cầu.

Các địa phương như Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Long An, Tiền Giang, Hà Giang, Trà Vinh từ nhóm địa phương triển khai đạt yêu cầu lên nhóm địa phương triển khai tốt.

Đồng Tháp và Bình Dương không thuộc nhóm xếp hạng nào do Bộ không nhận được hồ sơ tự chấm điểm của địa phương. Năm 2018, Đồng Tháp thuộc nhóm địa phương triển khai tốt còn Bình Dương thuộc nhóm địa phương triển khai đạt yêu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.