Ngày 17/5, Ủy ban tiếp xúc của Liên đoàn Arab (AL) về Sudan đã nêu bật sự cần thiết phải đạt được một lệnh ngừng bắn “ngay lập tức và lâu dài” tại quốc gia Đông Phi này nhằm bảo vệ thường dân và các thể chế quốc gia.
Ủy ban tiếp xúc của AL về Sudan được thành lập vào ngày 7/5 theo một nghị quyết của khối liên minh này, nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Sudan.
Cuộc họp đầu tiên của ủy ban diễn ra tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, với sự tham dự của Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry; Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia - ông Faisal bin Farhan và Tổng Thư ký AL Ahmed Abul Gheit.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, ủy ban trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay như một vấn đề nội bộ và phản đối bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Tuyên bố cũng khẳng định vai trò trung tâm của các nước láng giềng và Ủy ban tiếp xúc của AL trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Sudan.
Sau khi giao tranh bùng phát tại Sudan giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự hồi giữa tháng 4 vừa qua, Saudi Arabia đã tổ chức các vòng đàm phán giữa đại diện của hai bên tại Jeddah để đạt được một lệnh ngừng bắn.
[Giao tranh tại Sudan: LHQ kêu gọi gần 2,6 tỷ USD để hỗ trợ nhân đạo]
Ủy ban tiếp xúc của AL cũng khẳng định ủng hộ thỏa thuận “Tuyên bố Nhân đạo Jeddah” nhằm bảo vệ dân thường, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu trợ nhân đạo đáp ứng các nhu cầu cấp thiết.
Thỏa thuận nhân đạo Jeddah đã được ký kết vào ngày 12/5 tại thành phố bên bờ Biển Đỏ của Saudi Arabia giữa đại diện của hai bên tham chiến tại Sudan, cam kết tôn trọng các nguyên tắc nhân đạo trong cuộc xung đột.
Các thành viên Ủy ban tiếp xúc của AL cũng hoan nghênh “các nỗ lực của một số quốc gia Arab, trong đó có Ai Cập, trong việc giảm bớt sự đau khổ của người dân Sudan,” đồng thời cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với tất cả các bên tham chiến tại Sudan và phối hợp với các đối tác khu vực và quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ủy ban tiếp xúc về Sudan cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp viện trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp cho người dân quốc gia Đông Phi này. Cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo đe dọa gây bất ổn khu vực, khiến hơn 700.000 người phải sơ tán trong nước và khoảng 200.000 người phải sang các nước láng giềng tị nạn.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết kế hoạch ứng phó nhân đạo của Liên hợp quốc đang cần 2,56 tỷ USD để trợ giúp những người bị ảnh hưởng trong tình hình giao tranh tại Sudan.
Theo Giám đốc phụ trách điều phối của OCHA - ông Ramesh Rajasingham, hiện 25 triệu người, tức hơn 50% dân số Sudan, đang cần trợ giúp nhân đạo và cần được bảo vệ.
Ông nhấn mạnh: “Đây là số người gần trợ giúp nhiều nhất từng ghi nhận tại nước này” và “con số gần 2,6 tỷ USD cũng là khoản tiền lớn nhất được kêu gọi hỗ trợ nhân đạo cho Sudan.”
Khoản tiền kêu gọi trên cao hơn mức 1,75 tỷ USD ước tính vài tháng trước đây. Ngoài ra, Liên hợp quốc ước tính cần thêm 470,4 triệu USD để hỗ trợ những người Sudan đã phải rời khỏi đất nước để lánh nạn.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 17/5 đã kêu gọi 472 triệu USD để hỗ trợ hơn 1 triệu người trong 6 tháng tới.
Trong diễn biến mới nhất, quân đội Ai Cập cùng ngày thông báo đã gửi 2 máy bay quân sự chở hàng viện trợ y tế tới Sudan nhằm chia sẻ khó khăn với người dân quốc gia láng giềng này.
Một đoạn video do quân đội Ai Cập công bố cho thấy hai chiếc máy bay cất cánh từ một căn cứ quân sự ở thủ đô Cairo và hạ cánh xuống sân bay Port Sudan, mang theo hàng tấn vật tư y tế do Bộ Y tế Ai Cập cung cấp nhằm gửi tới người dân Sudan.
Đại sứ Ai Cập tại Sudan Hany Salah nhấn mạnh quyết định trên “truyền tải một thông điệp chính trị tới toàn bộ cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của tình đoàn kết với Sudan trong giai đoạn quan trọng này”./.