Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Bình Định kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá “3 không”

Bình Định đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt khai thác IUU; trong đó, kiên quyết xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm, nhất là tàu cá “3 không.”

Sơ chế cá ngừ đại dương. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)
Sơ chế cá ngừ đại dương. (Ảnh: Lê Phước Ngọc/TTXVN)

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Bình Định đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định); trong đó, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, nhất là tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).

Thống kê, toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 1.000 tàu cá “3 không,” phần lớn có chiều dài từ 6 đến dưới 12m. Những tàu cá này hoạt động chủ yếu ở vùng bờ, vùng bãi ngang trong tỉnh, không ra vào cảng cá, trạm kiểm soát Biên phòng nên gây khó khăn rất lớn cho quản lý.

Thượng úy Trần Đặng Bình Đạt, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Mũi Tấn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Quy Nhơn, cho hay Trạm kiên quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện này; đồng thời, yêu cầu chủ phương tiện ký cam kết không xuất bến khi chưa đủ điều kiện.

Theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), về quản lý đội tàu bắt buộc phải thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm và cấp phép khai thác thủy sản cho 100% tàu cá. Nếu không làm tốt yêu cầu này sẽ ảnh hưởng đến việc khắc phục “thẻ vàng” IUU.

Trước thực trạng trên, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt quy định của pháp luật, Tỉnh ủy Bình Định cũng đã thống nhất chủ trương cấp đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản tạm thời cho các tàu cá “3 không” để dễ dàng hơn trong việc quản lý.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, thông tin đến thời điểm hiện tại, đã giải quyết xong thủ tục cho 507 tàu cá, chiếm tỷ lệ hơn 47% và công tác này dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa tháng Năm này.

Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Bình Định cho biết, tỉnh rất quyết liệt trong “xóa” tàu “3 không.”

Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo lực lượng biên phòng thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện tốt các quy định pháp luật, nhất là Luật Thủy sản năm 2017. Ngoài ra, vận động ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp; khuyến khích chuyển sang các hoạt động nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

Song song với đó, còn phối hợp với các lực lượng chức năng, đơn vị vũ trang trên địa bàn tỉnh làm tốt tuần tra, kiểm soát trên biển, đặc biệt kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng đối với các loại phương tiện tàu thuyền hoạt động nghề cá ra vào tại các cửa sông, cửa lạch…

Liên quan tới những vướng mắc, bất cập trong thực thi nhiệm vụ, đại tá Nguyễn Văn Lĩnh, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần quan tâm đầu tư xây dựng thêm cầu kiểm soát cho Trạm kiểm soát Biên phòng Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn (hiện nay chưa có) để quá trình kiểm tra, kiểm soát, cơ động bảo vệ vùng biển diễn ra thuận lợi hơn; có hướng hỗ trợ lắp đặt các thiết bị giám sát đối với các tàu cá “3 không” khi hoạt động trên biển.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.