Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chuyển giao nhiệm vụ triển khai Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT cho các Chi cục thủy sản địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn tất các chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác, đánh bắt.
Từ đó, các cảng cá sẽ làm việc và hoàn tất thủ tục truy xuất nguồn gốc trực tiếp với doanh nghiệp.
Thế nhưng, vì thiếu nguồn nhân lực, việc chuyển giao còn chậm, hạ tầng nghề cá còn thiếu thốn đã gây trở ngại cho doanh nghiệp hoàn thành thủ tục truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu (EC).
Vì vậy, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu được “đầu xuôi, đuôi lọt”, sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" sau kỳ kiểm tra lại của EC vào tháng 1/2019.
Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cả nước có 62 doanh nghiệp chính thức ký cam kết chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp và thực hiện các tiêu chí về chống khai thác bất hợp pháp để xuất khẩu các mặt hàng hải sản vào thị trường châu Âu.
Ngoài việc đầu tư tàu, thuyền để khai thác, các doanh nghiệp còn thu mua nguyên liệu để phục vụ cho chế biến, xuất khẩu từ các cảng cá, nậu vựa.
Vì vậy, hoàn tất thủ tục truy xuất nguồn gốc tại các cảng cá là một trong những khâu cần thực hiện nhanh chóng để hoàn thành tiêu chí và thúc đẩy đơn hàng.
“Cụ thể hóa” áp dụng các chính sách
Theo quy định tại Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT và tiêu chí đánh bắt, khai thác hải sản, các tổ chức quản lý cảng cá phải ký giấy xác nhận lô hàng nguyên liệu hải sản cho các doanh nghiệp thu mua sau khi đã đối chiếu nhật ký khai thác với thông tin vị trí hoạt động của các tàu cá do các trạm bờ ghi lại và cung cấp.
Trong trường hợp không thể ký giấy xác nhận, các tổ chức quản lý tàu cá phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho doanh nghiệp thu mua. Văn bản trả lời sẽ là chứng từ hợp pháp trong việc truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản sang thị trường châu Âu.
Đại diện VASEP cho biết, trên thực tế, không phải trạm gần bờ nào cũng có thể ghi nhận được vị trí của từng tàu hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển vì lí do tín hiệu yếu do thời tiết, nghẽn mạch…
Với trường hợp này, các chủ tàu chủ động gọi điện thông báo với Chi cục Thủy sản. Nhưng, không phải chủ tàu nào cũng thực hiện được, bởi hoạt động ngoài khơi xa.
Theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt xa bờ, các chủ tàu cá phải thực hiện gửi tín hiệu thông báo vị trí của tàu.
Tuy nhiên, có những tàu thực hiện đúng quy định và thường xuyên, nhưng cũng có một số tàu chỉ thực hiện vài lần và không thực hiện nữa.
Các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu của những tàu này không được các cảng cá ký giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu cũng như vị trí đánh bắt, khó khăn trong khâu chế biến và xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP không đồng tình với cách xác nhận tin nhắn của các chủ tàu cá để làm cơ sở truy xuất nguồn gốc bởi điều này có thể là cơ hội cho các tàu cá gian lận trong khai thác, đánh bắt.
Đồng thời cũng là lỗ hổng để EC không gỡ bỏ thẻ vàng cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Với việc chuyển giao các lô hàng hải sản nguyên liệu từ chủ tàu sang các cảng cá, cũng được thực hiện rất chậm. Trả lời cho việc chuyển giao chậm này, Ban quản lý các cảng cá nhấn mạnh do nguồn nhân lực của cảng cá không đủ để thực hiện chuyển giao cho nhiều tàu cá cùng lúc.
Việc này gây ra nhiều lô hàng không đảm bảo hồ sơ, thủ tục theo quy định như nhật ký khai thác, giấy phép khai thác, không nhắn tin vị trí khai thác hoặc nhắn tin nhưng không đủ cơ sở xác nhận.
Các doanh nghiệp chỉ thực hiện việc thu mua số lượng nguyên liệu được ngư dân khai thác, đánh bắt, không thực hiện nhiệm vụ xác định tin nhắn và vị trí của tàu cá nên khi ban quản lý cảng cá không cung cấp đủ hồ sơ, gây thêm phần khó khăn cho doanh nghiệp.
Nếu cơ quan chức năng không cung cấp kịp thời, chính doanh nghiệp sẽ phải đi làm lại những chứng từ, hồ sơ, gây mất thời gian của doanh nghiệp nói riêng và ảnh hưởng đến sản xuất nói chung.
Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản sang thị trường châu Âu kiến nghị, cơ quan chức năng tại các địa phương có cảng cá cần có sự điều chỉnh và cải thiện đồng bộ.
Cùng đó, có cơ chế chặt chẽ hơn để ngư dân nộp đầy đủ nhật ký khai thác, gửi tin nhắn đầy đủ, rõ ràng về trạm bờ để lấy cơ sở xác nhận nguồn gốc lô hàng.
Thực hiện kịp thời những chứng từ cung cấp cho doanh nghiệp, sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản sang thị trường châu Âu rút ngắn thời gian gỡ bỏ "thẻ vàng."
[Việt Nam hướng đến phát triển nghề cá có trách nhiệm và bền vững]
Gắn thiết bị vào tàu đánh bắt xa bờ
Theo VASEP, Việt Nam chỉ có 3.000 tàu được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar.
Để dễ dàng trong việc hoàn tất các chứng từ liên quan đến nguồn nguyên liệu đánh bắt, khai thác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc các lô hàng xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu các địa phương có đoàn tàu đánh bắt, khai thác có chiều dài 24 mét trở lên phải lặp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar.
Khi tàu được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh này phải mở máy suốt 24/24 giờ khi đi khai thác trên các vùng biển. Việc lắp đặt thiết bị này phải hoàn tất trước tháng 10/2018.
Có như vậy, ngành khai thác, đánh bắt của Việt Nam mới thực hiện tốt các tiêu chí mà EC đã đưa ra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu các địa phương và Sở, ngành liên quan có những biện pháp cụ thể để kiểm soát xuất cảng, ra khơi.
Các Chi cục thủy sản và cảng cá nằm trong danh sách cung ứng nguyên liệu chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp phối hợp chặt chẽ trong xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, lực lượng kiểm tra kiểm soát tàu cá vi phạm trên biển nhưng bỏ qua, có biện pháp xử lý quyết liệt như rút giấy phép khai thác, đánh bắt, không cấp mới đối với chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình.
Thực hiện quy định mới này của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng chặt chẽ với đội tàu khai thác xa bờ.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản cũng như không cho đóng mới đối với chủ tàu tái phạm khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tàu cá bị bắt giữ phải trả tiền chuộc, thả hoặc trốn về nước phải tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong 6 tháng. Đồng thời, không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Các ngư dân cũng nhất quyết tuân thủ các tiêu chí và quy tắc khai thác, đánh bắt xa bờ, để sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" của EC.
Ông Phạm Giùm, chủ tàu KH 95758 TS, chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở Hà Ra, phường Vĩnh Phước (thành phố Nha Trang) chia sẻ, hiện không còn tàu nào chọn cách khai thác, đánh bắt bất hợp pháp để khó tiêu thụ sản phẩm của mình. Ngư dân trên tàu còn bị bắt giữ, nguy hiểm đến tính mạng, ly tán gia đình.
Ông Giùm luôn dặn dò thuyền trưởng phải đánh bắt trên vùng biển Việt Nam, thường xuyên liên lạc bằng bộ đàm hỏi vị trí tàu cũng như sản lượng đánh bắt. Thời gian qua tàu của ông Giùm luôn tuân thủ, chỉ đánh bắt trên vùng biển Trường Sa và nhà giàn DK1.
Ngoài ra, để lấy lại thẻ xanh nhanh chóng trước tháng 1/2019, tỉnh Khánh Hòa đã đẩy mạnh tuyên truyền, tiếp tục nâng cấp các trạm gần bờ, hoàn thành gắn thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân trước tháng 10/2018 để đảm bảo giám sát các tàu khai thác xa bờ 24/24 giờ.
"Ngư dân cũng được Chi cục thủy sản khuyến khích lắp đặt thiết bị khai báo điện tử để khai báo chính xác và dễ dàng hơn." ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.