Sau một năm nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ đến các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, ngư dân nhằm thực hiện chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu rất quan trọng trong việc chống khai thác IUU.
Tuy vậy, việc khắc phục "thẻ vàng" IUU vẫn còn bề bộn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong quản lý các tàu cá, thủ tục xác nhận nguyên liệu cho doanh nghiệp.
Hành trình gỡ "thẻ vàng" cũng như xây dựng nghề cá có trách nhiệm, hướng đến sự phát triển bền vững vẫn cần sự cố gắng rất lớn của các bên liên quan.
Theo các chuyên gia, mặc dù EC đưa ra nhiều khuyến nghị để Việt Nam khắc phục "thẻ vàng" về IUU, tuy nhiên chủ yếu vẫn là các yêu cầu liên quan đến quản lý tàu cá đánh bắt trên biển và quản lý các tàu cập cảng để truy xuất nguồn gốc hải sản rõ ràng.
Đây cũng là những vấn đề mà các địa phương, doanh nghiệp có kiến nghị cần phải tháo gỡ trong thời gian sớm nhất và đang tập trung khắc phục khó khăn.
Xuất khẩu gặp khó vì... thiếu tin nhắn
Ngày 23/10/2017, hải sản Việt Nam bị Uỷ ban Châu Âu (EC) cảnh báo rút “thẻ vàng” vì cho rằng chưa đáp ứng các quy định về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Để thực hiện yêu cầu này, Việt Nam đã cơ bản nội luật hóa các quy định của quốc tế, khu vực về IUU trong Luật thủy sản năm 2017; nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp về chống khai thác IUU.
Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt; việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có bước tiến bộ…
Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương đang vấp nhiều khó khăn, đặc biệt là với doanh nghiệp, ngư dân.
Với việc chiếm đến 60-70% thị phần xuất khẩu, nhiều năm nay, EU là thị trường xuất khẩu chủ lực của Công ty cổ phần thủy sản Bình Định. Việc hải sản Việt Nam bị giơ "thẻ vàng" đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp này trong thời gian qua.
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hải sản của doanh nghiệp sang thị trường EU giảm từ 20-30% so với cùng kỳ. Chưa hết, gần như 100% lô hàng xuất khẩu sang EU đều bị kiểm tra khiến doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí và hệ luỵ...
Từ thực tế của doanh nghiệp, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Bình Định cho biết, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu thu mua và xác nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác.
Khi thu mua nguyên liệu tại cảng cá ở Bình Định (gồm cảng cá Quy Nhơn và Hoài Nhơn), công ty đều báo cáo và mời nhân viên của cảng cá đến trực tiếp cùng tham gia xác nhận số lượng, nguồn gốc nguyên liệu. Tuy nhiên, do điều kiện nhân lực, vật lực ở các cảng cá, nhận thức của ngư dân về ghi nhật ký khai thác… còn khá hạn chế nên đã ảnh hưởng lớn đến việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu.
Thậm chí, ngay cả khi hồ sơ đã cập nhật đủ thông tin rồi nhưng do cảng cá chưa có cơ sở dữ liệu để đối chiếu nên lại phải chuyển tất cả hồ sơ lên Chi cục thủy sản Bình Định kiểm tra rồi mới gửi xuống cảng cá để xác nhận. Những điều này đã khiến thời gian xác nhận nguyên liệu bị kéo dài 2-3 tháng. Từ tháng 3/2018 đến nay, công ty này chỉ mua được từ 30-40% nguyên liệu đạt yêu cầu của EU, ảnh hưởng rất lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cho biết, theo quy định các tàu phải gửi tín hiệu thông báo vị trí của tàu, số lượng tin nhắn không thống nhất chung mà tùy theo yêu cầu của mỗi Chi cục thủy sản. Do đó, một số tàu chỉ nhắn đủ số lượng tin nhắn theo quy định để làm thủ tục về sau, sau đó không nhắn tin nữa. Bất cập này cũng khiến các doanh nghiệp không được cảng cá xác nhận nguyên liệu với những lô không có được dữ liệu tin nhắn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc ách tắc trong quy trình xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác đã khiến nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản gặp khó, do thiếu nguyên liệu sản xuất. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong thời gian qua.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.Pro thông tin, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU bị tác động đáng kể và có xu hướng sụt giảm liên tục kể từ sau ngày 23/10/2017-thời điểm hải sản Việt Nam bị EC rút "thẻ vàng" về IUU.
Trong 8 tháng năm nay, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương ở mức 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên xuất khẩu hải sản sang EU lại giảm đến 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
[Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm]
Sự sụt giảm này đã khiến thị phần xuất khẩu hải sản của Việt Nam ở thị trường này bị thu hẹp lại, chỉ còn chiếm khoảng 12%, thay vì 16-17% như trước đó.
Gỡ vướng cho các cảng cá
Theo quy định của Thông tư 02/TT-BNNPTNN (Thông tư 02) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 31/01/2018 liên quan đến xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác, nhiệm vụ xác nhận nguyên liệu khai thác từ Chi cục thủy sản được chuyển sang Ban quản lý các cảng cá phụ trách.
Trong khi đó, các cảng cá lại thiếu nguồn lực, nhân lực, cơ sở hạ tầng… để đáp ứng yêu cầu mới này khiến việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu cho doanh nghiệp bị gián đoạn trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Bửu Gioãn, Phó Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Quảng Ngãi cho biết, các công việc giao cho cảng cá theo Thông tư 02 hiện quá nặng nề đối với các cảng cá. Bởi lẽ, ngoài bộ phận lãnh đạo, nhân lực ở các cảng cá còn rất hạn chế về trình độ, nhân viên lâu nay chỉ làm các công việc như thu tiền, sắp xếp tàu thuyền.
Trong khi nhiệm vụ mới hiện nay các cảng cá phải làm từ khâu quản lý, thống kê, báo cáo… tàu cá, sản lượng khai thác, khối lượng công việc tăng mà trình độ nhân viên còn hạn chế nên việc chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác đang rất nặng nề đối với các cảng cá.
Mặt khác, việc xây dựng bến thuyền ở các cảng cá chưa hợp lý, khiến cho phần lớn các tàu thuyền đánh cá vẫn vào các cảng truyền thống của ngư dân, cảng tư nhân. Sản lượng hải sản khai thác được cảng cá thống kê, chứng nhận vì thế mà rất ít, chỉ chiếm không quá 10% tổng sản lượng khai thác của ngư dân.
[VASEP: Xuất khẩu thủy sản khó đạt mục tiêu 10 tỷ USD trong năm nay]
Còn theo đại diện Ban quản lý các Cảng cá tỉnh Tiền Giang, việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác theo Thông tư 02 đang có một số vướng mắc cần tháo gỡ.
Nhiều tàu khai thác lưới rê của tỉnh này khi vào bờ cũng không cập cảng cá để lên hàng nên cảng không quản lý được sản lượng thủy sản vào bờ cũng như không xác nhận được tàu cập cảng.
Điều này khiến một sản lượng không nhỏ hải sản khai thác của ngư dân trên địa bàn không làm được giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu.
Trước những phản ánh của doanh nghiệp, các cảng cá về tình trạng này, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản hướng dẫn việc triển khai xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
Theo đó, các trạm bờ hiện không có đủ thông tin để cung cấp cho cảng cá xác nhận tất cả tàu khai thác có công suất từ 90 CV trở lên do lượng tàu được trang bị thiết bị giám sát hành trình còn khá hạn chế.
Do vậy, các tổ chức quản lý cảng cá cần đối chiếu thông tin trong Nhật ký khai thác với thông tin về hoạt động của tàu cá, nếu trạm bờ có thông tin về tàu cá được yêu cầu xác nhận.
Trường hợp trạm bờ không có thông tin về tàu cá được yêu cầu xác nhận, Ban quản lý cảng cá phải đối chiếu thông tin với danh sách tàu khai thác bất hợp pháp mà trạm bờ cung cấp. Nếu không phát hiện tàu cá vi phạm các quy định về IUU thì hướng dẫn cho chủ hàng hoàn thiện hồ sơ để thực hiện việc xác nhận./.