Hơn 3 năm thực hiện khắc phục "thẻ vàng" chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) do Ủy ban châu Âu đề ra, Chính phủ Việt Nam cùng ngành nông nghiệp đã nỗ lực đưa ra các chính sách thực thi yêu cầu này.
Cho đến nay, các ngư dân ở các địa phương có biển vẫn đang rốt ráo thực hiện chống khai thác bất hợp pháp để phát triển nghề cá bền vững.
Kể từ sau khi Ủy ban châu Âu giơ "thẻ vàng" đối với nghề cá Việt Nam về khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định, không khai báo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 45/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
28 tỉnh, thành phố có biển đã nỗ lực để thực hiện chỉ thị này. Ngành thủy sản các địa phương đồng lòng, chung sức để cùng ngư dân Việt Nam có thể nhận được đánh giá cao của Ủy ban châu Âu, cũng như các quốc gia nhập khẩu thủy sản Việt Nam đồng loạt áp dụng chống khai thác bất hợp pháp.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cho biết tỉnh Ninh Thuận đang quyết liệt triển khai các giải pháp theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thủy sản nhằm ngăn chặn tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Cụ thể, để kiểm soát việc thực thi quy định, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, các đơn vị chức năng tỉnh Ninh Thuận phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá, thuyền viên, thiết bị an toàn tàu cá, vệ sinh thực phẩm, ngư lưới cụ, kiểm soát sản lượng và giám sát ghi nhật ký khai thác tại Văn phòng kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Đông Hải (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) và cảng cá Cà Ná (huyện Thuận Nam); kiên quyết không cho phương tiện ra khơi khi không đầy đủ thủ tục, giấy tờ theo quy định.
Sau tàu cá khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và bật thiết bị khi hoạt động khai thác hải sản trên biển, tín hiệu sẽ được truyền về Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh Ninh Thuận. Qua đó, cơ quan chức năng sẽ theo dõi, hướng dẫn ngư trường giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam và các nước lân cận để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu vi phạm, hỗ trợ ngư dân khi gặp sự cố trên các vùng biển.
Nếu phát hiện tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng không mở máy 24/24 giờ khi hoạt động khai thác hải sản trên biển, cơ quan chức năng sẽ nhắc nhở, xử lý nghiêm.
Cho đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã có 708 tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình, số tàu cá còn lại chưa lắp do một số nguyên nhân như đang làm thủ tục sang nhượng, chủ tàu gặp khó khăn về tài chính, tàu làm ăn thua lỗ đang nằm bờ, tàu hư hỏng.
Về cơ bản, tất cả tàu cá của Ninh Thuận hiện đang hoạt động tại các vùng khơi đã được giám sát thông qua hệ thống quản lý và giám sát tàu cá VMS của Tổng cục Thủy sản.
[Khắc phục thẻ vàng IUU: Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công cho cảng cá]
Còn tại tỉnh Cà Mau, sau gần 3 năm thực hiện các biện pháp chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, đến nay, tỉnh Cà Mau đã thực hiện lắp đặt thiết bị định vị cho 1.250 tàu khai thác, đánh bắt xa bờ. Trong số này, có gần 50 chiếc từ 24m trở lên, 1.200 chiếc từ 15-24m. Ngoài ra, còn có 4 tàu cá có chiều dài dưới 15m cũng tự nguyện lắp đặt thiết bị định vị.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, việc tuyên truyền vận động đã được triển khai thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, có một số chủ tàu vẫn còn thực hiện chậm do trực tiếp tham gia hoạt động đánh bắt, chưa tham gia các đợt tập huấn, tuyên truyền chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp.
Vùng biển Cà Mau là một trong 4 ngư trường lớn của cả nước, trữ lượng hải sản dồi dào, nên thu hút nhiều tàu cá từ các địa phương khác đến. Vì vậy, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền tại các xã, thị trấn, Đồn biên phòng, trên hệ thống trạm truyền thanh xã, in ấn tờ rơi, khu vực vùng cấm khai thác, thực hiện các phóng sự, chuyên đề bài viết trên báo đài… để ngư dân nắm rõ các quy định, chế tài xử phạt của nhà nước về việc cấm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.
Đồng thời, Chi cục Thủy sản Cà Mau cùng các đơn vị trong ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền tại các xã, thị trấn, Đồn biên phòng, trên hệ thống trạm truyền thanh xã, in ấn tờ rơi, khu vực vùng cấm khai thác, thực hiện các phóng sự, chuyên đề bài viết trên báo đài… để ngư dân nắm rõ các quy định, chế tài xử phạt của nhà nước về việc cấm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.
Nhờ đó, ngư dân Cà Mau nói riêng, ngư dân từ các địa phương khác đến ngư trường Cà Mau nói chung đã hiểu rõ tác hại của việc khai thác bất hợp pháp.
Là một ngư dân khai thác lâu năm tại ngư trường Cà Mau, anh Nguyễn Văn Thường, ngụ tại huyện Phú Tân, cho biết kể từ khi được vận động, tuyên truyền về chống khai thác bất hợp pháp, anh cùng đội tàu của gia đình hiểu rằng khai thác bất hợp pháp không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của ngư dân mà các thị trường khác cũng không thu mua hải sản, do đó, sức lao động sẽ không còn giá trị./.