Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Ủy ban châu Âu đánh giá gì sau 4 năm?

Theo DG-MARE, mặc dù sau 4 năm, khuôn khổ pháp lý đã tương đối đầy đủ nhưng quá trình thực thi việc chống khai thác IUU tại một số địa phương còn nhiều hạn chế, chuyển biến còn chậm.
Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Ủy ban châu Âu đánh giá gì sau 4 năm? ảnh 1Ngư dân thu hoạch cá ngừ đại dương. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Ông Roberto Cesari, Trưởng Bộ phận IUU, Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-MARE) ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Trưởng Bộ phận IUU Roberto Cesari đánh giá vậy tại cuộc họp trực tuyến mới đây giữa Tổng cục Thủy sản, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Quốc phòng với Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-MARE).

DG-MARE cũng đánh giá cao và “không nghi ngờ” những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam; nhất là sự minh bạch, thái độ nghiêm túc, quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc triển khai các biện pháp chống khai thác IUU và những khó khăn, thách thức thực tế mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc chống khai thác IUU hiện nay.

Mặc dù sau 4 năm, khuôn khổ pháp lý đã tương đối đầy đủ nhưng quá trình thực thi việc chống khai thác IUU tại một số địa phương còn nhiều hạn chế, chuyển biến còn chậm. Có địa phương thực thi nghiêm túc, tốt; có địa phương thực thi chưa tốt.

[Khắc phục “thẻ vàng” IUU: EC dự kiến kiểm tra trực tiếp vào quý 1/2022]

Sau cuộc họp, DG-MARE tiếp tục nêu ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình khắc phục “thẻ vàng” của Việt Nam như chưa hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Hiện tượng tàu cá bị mất kết nối với Hệ thống giám sát tàu cá (VMS) còn nhiều. Việc kiểm soát tàu cá ra, vào cảng và sản lượng bốc dỡ chưa đáp ứng yêu cầu. Số lượng các vụ việc đã xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU còn hạn chế. Hạ tầng ngành thủy sản, ngân sách và bố trí nguồn lực cho việc chống khai thác IUU chưa đáp ứng yêu cầu. Tàu cá Việt Nam vẫn còn vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết phía EC đã thẳng thắn nêu ra một số vấn đề quan ngại, nhất là việc kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu từ tàu nước ngoài và triển khai theo Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO (PSMA) vẫn chưa có sự tiến triển và chưa đáp ứng yêu cầu qua 4 năm triển khai.

Từ năm 2021, EC đã nhận được các hồ sơ liên quan đến kiểm soát các tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam. Tuy nhiên, qua đánh giá xem xét, những biên bản kiểm tra này còn rất nhiều lỗi sai sót, chưa đáp ứng được theo yêu cầu của PSMA; đặc biệt là những thông tin trong biên bản kiểm tra chưa đảm bảo tính chính xác, không có sự xác nhận, kiểm tra lại thông tin về con tàu cập cảng.

Hiện nay, nhiệm vụ này đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao Cục Thú y làm đầu mối thực hiện. Tuy nhiên, theo EC, Cục Thú y không phải là cơ quan thích hợp trong việc thực hiện việc thanh kiểm tra tàu, sản phẩm thuỷ sản từ khai thác theo các thông tin khai báo và theo các quy định của Hiệp định PSMA. Việc kiểm soát tàu chở thủy sản, sản phẩm thủy sản cập cảng Việt Nam phải được đơn vị có chuyên môn về thủy sản thực hiện để đảm bảo sự kiểm soát tốt, đảm bảo hồ sơ khai thác IUU đối với các tàu cập cảng Việt Nam.

EC đã từng chấp nhận và đồng ý với việc giao đơn vị chủ trì cho cơ quan thú y nhưng trong mấy năm qua không hề có sự tiến triển trong quá trình triển khai cho đến nay. “EC đã nêu rõ quan điểm nếu phía Việt Nam không có sự thay đổi về việc chuyển giao chủ trì cho đơn vị chuyên môn về thủy sản kiểm soát tốt tàu nước ngoài cập cảng theo PSMA sẽ rất khó để có thể gỡ thẻ vàng, thậm chí còn có thể nghiêm trọng hơn,” ông Nguyễn Quang Hùng cho biết.

[Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Nỗ lực đồng lòng giữa các địa phương]

Để có thể xem xét gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, trong thời gian tới DG-MARE sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra thực tế tại các địa phương để có đánh giá chính xác hiệu quả việc chống khai thác IUU của Việt Nam.

Để khắc phục những khuyến nghị của EC, vừa qua, Bộ Nông nghiệp  và Phát triển Nông thôn đã có văn bản gửi 28 tỉnh, thành phố ven biển; một số bộ, ngành và Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Theo đó, đối với các tỉnh, thành cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, phấn đấu đến hết 31/12/2021 hoàn thành việc lắp đặt trên tàu cá đối với các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.

Các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá. Kiểm soát 100% số lượng tàu cá rời cảng đi khai thác, đối với các tàu cá không đủ điều kiện kiên quyết không cho đi hoạt động và giám sát chặt chẽ việc sử dụng lao động trên tàu cá, nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em đi khai thác hải sản vùng khơi.

Địa phương tổ chức trực ban theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển thông qua hệ thống VMS và có cảnh báo kịp thời đối với các tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới vùng biển Việt Nam. Thực hiện thanh tra, kiểm tra tại cảng cá, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng cá; xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định về khai thác IUU. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo, bổ sung kinh phí, nhân lực để hoàn thiện, nâng cao năng lực của tổ chức quản lý cảng cá để đảm bảo việc kiểm soát tàu cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng…

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đi kiểm tra việc thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU ở Quảng Trị và Huế. Qua kiểm tra, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết việc triển khai kiểm soát tàu cá tại cảng ở hai địa phương này còn nhiều hạn chế, còn sai sót. Việc đầu tư hạ tầng cảng cá còn kém; nhân lực kiểm soát yếu; sự phối hợp giữa các đơn vị chưa tốt.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, hiện nay, cơ cấu tổ chức lãnh đạo ở các địa phương có nhiều thay đổi so với trước. Do đó, các tỉnh thành phải tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo quyết liệt và nghiên cứu áp dụng các giải pháp phù hợp tình hình thực tế tại địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân khai thác hiệu quả, đúng pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.