Sáng 28/6, Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố.
Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, Trần Văn Vũ, cho biết khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.
Đặc biệt, số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đã đạt mức tăng ấn tượng trên 40% và vượt so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh COVID-19).
Lĩnh vực du lịch tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo sự tăng trưởng bứt phá cho một số ngành dịch vụ như lưu trú, ăn uống, thương mại vận tải, vui chơi, giải trí...
Cụ thể, doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 22,2%; doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 37.000 tỷ đồng, tăng 14,6%...
Đặc biệt, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ trong 6 tháng đầu năm ước đạt 5,1 triệu lượt, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế đạt 2 triệu lượt, tăng 40,3%; khách trong nước đạt 3,1 triệu lượt, tăng 17,7%.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi; tăng trưởng tín dụng đạt thấp; cước vận tải tăng cao...
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến ngày 20/6 đạt 12.980 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 3.133 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 9.846 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 thu nội địa đạt 11.469 tỷ đồng, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối xuất, nhập khẩu đạt 1.182 tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến ngày 20/6 đạt 14.823 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 5.339 tỷ đồng, chiếm 36% trên tổng chi và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ông Trần Văn Vũ, để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đã đề ra, các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tập trung các nguồn lực để đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới, góp phần tăng sức cạnh tranh của điểm đến để thu hút khách du lịch; tiếp tục xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng từ các thị trường quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thể thao; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh...
Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, nhịp độ tăng trưởng trong quý 1/2024 có phần yếu đi so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, bước sang quý 2, kinh tế Đà Nẵng đã có bước chuyển biến tích cực.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của thành phố ước tăng 5%, cao hơn mức tăng 3,48% của cùng kỳ năm 2023 và cao hơn mức tăng bình quân 3,54% của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2020-2024. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 5,99%; khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 1,70%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng nhẹ 0,85%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,17%.
Quy mô nền kinh tế thành phố trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 72.303 tỷ đồng, mở rộng hơn 7.050 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Xét trên phạm vi cả nước, quy mô GRDP của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố và dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung bộ./.
Đà Nẵng: Du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chỉ số IIP có xu hướng tăng
Với việc tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm quảng bá, kích cầu, ngành du lịch thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; trong khi lĩnh vực sản xuất cũng có những tín hiệu khả quan hơn.