Khai giảng tiếng Nhật cho ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam

151 ứng viên điều dưỡng và hộ lý của Việt Nam đã tham dự lễ khai giảng Chương trình đào tạo tiếng Nhật của Học viện ngôn ngữ ARC.
Các ứng viên y tá và điều dưỡng viên Việt Nam tham dự Lễ khai giảng Chương trình đào tạo tiếng Nhật của Học viện ngôn ngữ ARC. (Ảnh: Hữu Thắng/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, 151 ứng viên điều dưỡng và hộ lý của Việt Nam đã tham dự lễ khai giảng Chương trình đào tạo tiếng Nhật của Học viện ngôn ngữ ARC.

Lễ khai giảng diễn ra ngày 29/5 tại Trung tâm đào tạo quốc tế Makuhari ở tỉnh Chiba, miền Đông Nhật Bản.

Tham dự lễ khai giảng ngoài các ứng viên của Việt Nam, còn có quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Ban lãnh đạo Học viện ARC và lãnh đạo của một số bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế của Nhật Bản.

Đây là nhóm ứng viên điều dưỡng và hộ lý thứ hai đến Nhật Bản trên cơ sở Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản.

Phát biểu tại buổi lễ, Tham tán Bộ phận lao vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Gia Liêm đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của chương trình hợp tác đào tạo và tuyển dụng các ứng viên điều dưỡng, hộ lý.

Theo ông Liêm, chương trình này mở ra lĩnh vực hợp tác trong việc chăm sóc và hỗ trợ người bệnh, người già tại các bệnh viện, cơ sở điều dưỡng ở Nhật Bản. Qua đánh giá của giáo viên và đơn vị phụ trách, nhóm 138 ứng viên điều dưỡng và hộ lý sang Nhật Bản năm 2014 đã đạt được kết quả tốt.

Ông Nguyễn Gia Liêm hy vọng nhóm thứ hai sẽ tiếp tục phát huy và nỗ lực để đạt được thành tích cao nhất trong học tập và công việc, không chỉ cho bản thân các ứng viên mà còn cho các nhóm tiếp theo, đồng thời góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Nhật Bản.

Theo kế hoạch, từ ngày 1/6-25/7, các ứng viên sẽ tham gia khóa học tiếng Nhật kéo dài hai tháng tại Học viện ARC, chủ yếu được học thuật ngữ kỹ thuật và các kỹ năng hội thoại cần thiết cho công việc. Sau đó, Hiệp hội phúc lợi quốc tế Nhật Bản (JICWELS) sẽ đào tạo các kỹ năng nhập môn cho các ứng viên trước khi họ chính thức bắt đầu công việc tại các cơ sở y tế từ ngày 6/8.

Trả lời phóng viên TTXVN, ứng viên hộ lý Nguyễn Văn Trung cho biết trước mắt các ứng viên y tá và hộ lý sẽ trau dồi tiếng Nhật và chuyên môn điều dưỡng, hướng tới cuộc thi điều dưỡng toàn quốc giành chứng chỉ cấp quốc gia và cũng là điều kiện tối thiểu để làm việc lâu dài tại Nhật Bản.

Trước khi đến Nhật Bản, các ứng viên đều đã có chứng chỉ y tá, hộ lý ở Việt Nam và tham gia các khóa học tiếng Nhật kéo dài hai năm ở trong nước. Ông Takashi Tsunoda, đại diện Hiệp hội phúc lợi quốc tế Nhật Bản (JICWELS), cam kết Hiệp hội sẽ đào tạo cho các ứng viên tất cả những kiến thức cần thiết để chuẩn bị cho kỳ thi chứng chỉ toàn quốc như cách sử dụng máy móc, thiết bị y tế, trang bị các kiến thức cần thiết hay tổ chức ôn thi tập trung,...

Theo ông Shigemi Ando thuộc Vụ Nam Á của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, việc đào tạo và tiếp nhận các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với Nhật Bản do dân số nước này đang trong quá trình già hóa nhanh chóng khiến việc chăm sóc sức khoẻ đang trở thành một vấn đề hết sức quan trọng. Ông Ando hy vọng chương trình sẽ đóng góp thiết thực cho mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục