Khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019

Nhiều kết quả điều tra doanh nghiệp mà VCCI tiến hành trong năm 2019 cho thấy về cơ bản, môi trường kinh doanh của Việt Nam được ghi nhận đã có sự chuyển biến tích cực hơn, dù vậy chưa có sự đồng đều.
Khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 10/1 tại Hà Nội, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 đã chính thức khai mạc với chủ đề "Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững."

Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Trong 3 phiên làm việc, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 sẽ tập trung làm rõ các nội dung như: điều tiết cho sự bền vững; phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; hạ tầng cơ sở cho sự đổi mới.

Đại diện các nhóm nghiên cứu và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham), Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc, châu Âu và Australia sẽ phát biểu các bài tham luận với nhiều chủ đề: tạo điều kiện để các doanh nghiệp bứt phá trở thành mũi nhọn trong nền kinh tế và các giải pháp cho đầu tư sáng tạo chất lượng cao; vai trò của việc nâng cao nhận thức về môi trường và tầm quan trọng của tính bền vững của du lịch Việt Nam; Chính phủ điện tử - những nỗ lực của ngành hải quan cho đến nay và chiến lược phát triển hiệu quả thuế và hải quan điện tử. 

[Công bố tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019]

Riêng đối với từng ngành và lĩnh vực, các nhóm nghiên cứu cũng đề cập tới việc phát triển các phương pháp canh tác, chuỗi cung ứng giá trị gia tăng và đổi mới sáng trạo trong nông nghiệp; năng lượng bền vững thu hút đầu tư tư nhân cho công nghiệp 4.0; thu hút đầu tư cho nền tài chính bền vững và hỗ trợ kiến tạo cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển cơ sở hạ tầng bền vững bao gồm PPP, quản lý rác thải, quản lý nước thải và giao thông công cộng; bước nhảy vọt hướng đến giáo dục và lực lượng lao động cho công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đại diện Ban tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho biết trong nhiều năm liên tục, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có những hành động cụ thể để cải thiện điểm số, nâng xếp hạng của Việt Nam trong các chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của quốc gia...

Nhiều kết quả điều tra doanh nghiệp mà VCCI tiến hành trong năm 2019 cho thấy về cơ bản, môi trường kinh doanh của Việt Nam được ghi nhận đã có sự chuyển biến tích cực hơn, dù vậy chưa có sự đồng đều giữa các lĩnh vực.

Việc thực hiện các Nghị quyết 19, Nghị quyết 02/2019 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hay Nghị quyết 35 năm 2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới năm 2020 đã cho thấy những chuyển biến tích cực trong các nội dung như thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện năng hay các thủ tục hành chính liên quan tới ngành thuế và các lĩnh vực đất đai...

Tuy nhiên, vấn đề phá sản doanh nghiệp, bảo hộ nhà đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu được đánh giá là ít chuyển biến. Tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trực tuyến, qua bưu điện hay trung tâm hành chính công tăng từ 12,5% lên 17,4%, song tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin tốt lại giảm từ 60% xuống còn 36%.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% doanh nghiệp cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp, 30% doanh nghiệp cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế....

"Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những cải cách thực chất và đồng đều hơn nữa, nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích tinh thần doanh nghiệp theo đúng tuyên ngôn là 'Chính phủ hành động, kiến tạo' hay 'lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ'  mà Thủ tướng Chính phủ đã rất nhiều lần kêu gọi," ông Lộc nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.