Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, tối 30/5, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 đã khai mạc tại Singapore với sự tham dự của hơn 400 đại biểu chính thức đến từ khoảng 30 nước và tổ chức quốc tế.
Đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Việt Nam tham dự đối thoại lần này do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu.
Sau khi ông John Chipman, Tổng Thư ký và Tổng Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với tư cách là diễn giả chính của Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, đã trình bày bài phát biểu dẫn đề của đối thoại năm 2014.
Thủ tướng Abe bày tỏ sự ủng hộ của Nhật Bản với các nước thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc đảm bảo an ninh tại các khu vực biển và bầu trời cũng như việc duy trì tự do hàng hải và tự do cho các chuyến bay trên không.
Ông Abe khẳng định Nhật Bản chủ trương đóng vai trò lớn hơn và tích cực hơn trong việc đảm bảo hòa bình tại châu Á và trên thế giới và chủ trương này của Nhật Bản đã giành được “sự ủng hộ của lãnh đạo các nước đồng minh và các nước bạn bè, kể cả từng vị lãnh đạo của các nước thành viên ASEAN cũng như lãnh đạo của Mỹ, Australia, Ấn Độ, Anh, Pháp và một số nước khác.”
Thủ tướng Nhật Bản cũng nêu bật tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và ba nguyên tắc liên quan tới luật biển, đó là các quốc gia tuyên bố chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế, các quốc gia không được sử dụng vũ lực để giành chủ quyền và các quốc gia phải giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.
Thủ tướng Abe nêu rõ: “Chính phủ (Nhật Bản) ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Philippines trong việc kêu gọi giải quyết tranh chấp tại Biển Đông thực sự phù hợp với ba nguyên tắc đó” và “Chúng tôi cũng ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề thông qua đối thoại.”
Ông Abe kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trước phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La 2014, IISS đã công bố tài liệu chiến lược với tiêu đề “Đánh giá An ninh Khu vực năm 2014.”
Tài liệu này tập trung vào các chủ đề quan trọng nhất được thảo luận tại các cuộc đối thoại trước, như sự thay đổi vai trò trong khu vực của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ; những mối đe dọa từ những điểm bùng nổ bạo lực tiềm tàng, đặc biệt là bán đảo Triều Tiên và các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Tài liệu này cũng đề cập tới những vấn đề về cạnh tranh quân sự trong khu vực và biện pháp để xây dựng một trật tự an toàn và ổn định hơn ở khu vực.
Trong khuôn khổ của Đối thoại Shangri-La 2014, vào ngày 31/5 và 1/6 sẽ diễn ra năm phiên họp toàn thể về các chủ đề: đóng góp của Mỹ vào ổn định ở khu vực; thúc đẩy hợp tác quân sự; giải quyết các mối quan hệ căng thẳng mang tính chất chiến lược; triển vọng hòa bình và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương; và đảm bảo giải quyết xung đột tại châu Á-Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng có 5 phiên họp đặc biệt về thách thức của việc duy trì và giải quyết các vùng biển khơi; ảnh hưởng của năng lực quân sự mới tại châu Á-Thái Bình Dương; biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương; ASEAN và trật tự an ninh khu vực đang nổi; và tương lai của Triều Tiên liên quan với an ninh khu vực.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ phát biểu tại phiên thảo luận chung thứ ba với chủ đề “Giải quyết các mối quan hệ căng thẳng mang tính chất chiến lược” vào sáng ngày 31/5.
Kể từ năm 2002, IISS, một trong những tổ chức nghiên cứu chiến lược hàng đầu thế giới, hàng năm đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á tại Khách sạn Shangri-La ở Singapore.
Đây là diễn đàn chính để các bộ trưởng quốc phòng, quan chức quốc phòng và quân sự cấp cao của các nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và một số nước khác thảo luận những vấn đề thời sự quan trọng nhất liên quan tới an ninh khu vực./.