Tối 26/4, Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 8 - năm 2019 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" đã chính thức khai mạc tại Quảng trường Quốc học, thành phố Huế với sự tham gia của đông đảo công chúng và khách du lịch.
Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival cho biết diễn ra từ 26/4-2/5, Festival Nghề truyền thống Huế 2019 là sự kiện kinh tế và văn hóa lớn, nhằm tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề thủ công truyền thống, gắn các sản phẩm truyền thống; đồng thời tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Mỗi kỳ Festival nghề truyền thống Huế được tổ chức thành công đã góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng thành phố Huế xứng đáng là thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
[Thầy thuốc đông y lần đầu phô diễn tài năng tại Festival nghề Huế]
Festival Nghề truyền thống Huế 2019 hội tụ tinh hoa của 16 nhóm nghề, với 60 làng nghề và trên 350 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đà Lạt, Đồng Tháp, Hưng Yên và Thừa Thiên-Huế.
Festival còn có sự tham gia của 10 thành phố, đơn vị quốc tế với 70 nghệ nhân tham dự. Đáng chú ý là các thành phố Takayama, thành phố Sasayama, thành phố Saijo (Nhật Bản); thành phố Gyeongju, thành phố Namyangju, thành phố Dongnae (Hàn Quốc) đã nhiều lần tham gia Festival Nghề truyền thống Huế.
Qua các kỳ tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế, hiệu quả của lễ hội này đã mang lại những tác động tích cực đến sự hồi sinh và phát triển của các ngành nghề truyền thống Huế.
Các nghệ nhân ở Huế đã tạo được nhiều mẫu thiết kế sản phẩm đa dạng, mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao. Nhiều làng nghề và các nghệ nhân đã có ý thức và tập trung nhiều hơn cho việc sáng tác, sản xuất các sản phẩm quà tặng, lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách; đồng thời, thu hút được sự tham gia của các họa sĩ trong việc sáng tác, thiết kế các mẫu hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Huế.
Đáng chú ý, các nghề và làng nghề truyền thống ở địa phương có nhiều triển vọng hồi sinh, phát triển rõ rệt sau mỗi kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống Huế, cụ thể như: Nghề Pháp lam; nghề chế tác nhà rường; nghề may (may áo dài truyền thống); làng nghề đúc đồng Phường Đúc với các sản phẩm lư, chuông, tượng, hàng mỹ nghệ lưu niệm; nghề thêu tranh ở phố Phan Đăng Lưu, Hùng Vương, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, tranh thêu XQ; tranh làng Sình; nón lá Mỹ Lam; gỗ mỹ nghệ Mỹ Xuyên; gốm Phước Tích; hoa giấy Thanh Tiên; giấy Trúc chỉ.
Trong thời gian diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế 2019, nhiều các hoạt động được tổ chức: triển lãm, trưng bày sản phẩm nghề và làng nghề tại phố đi bộ, lễ hội Áo dài, lễ hội khinh khí cầu...
Cảnh quan cầu đi bộ trên sông Hương kết nối với hệ thống đường đi bộ bờ Nam sông Hương, phố đi bộ Chu Văn An-Phạm Ngũ Lão-Võ Thị Sáu... tạo không gian nên thơ trải dài dọc sông Hương với nhiều hoạt động hấp dẫn trong những ngày lễ hội./.