Khai mạc hội chợ Sách Cuba tôn vinh cố lãnh tụ Fidel Castro

Hội chợ Sách quốc tế thường niên lần thứ 26 (FIL) đã khai mạc tại Cuba. Hội chợ năm nay tôn vinh những đóng góp của cố lãnh tụ Fidel Castro đối với nền văn học và văn hóa của đảo quốc Caribe.
Cố lãnh tụ Cuba Fidel Castro. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 9/2, tại thủ đô La Habana của Cuba đã khai mạc Hội chợ Sách quốc tế thường niên lần thứ 26 (FIL). Hội chợ năm nay tôn vinh những đóng góp của cố lãnh tụ Fidel Castro đối với nền văn học và văn hóa của đảo quốc Caribe. 

Hội chợ sẽ kéo dài trong 10 ngày, tới ngày 19/2, với sự tham gia của hơn 400 khách mời và 150 tác giả văn học đến từ 46 quốc gia. Khoảng 4 triệu đầu sách của các tác giả Cuba và nước ngoài và 700 ấn phẩm mới cũng sẽ được giới thiệu tại hội chợ.

Trao đổi với báo giới, Giám đốc Viện Sách Cuba Juan Rodriguez cho biết tâm điểm của sự kiện văn hóa này năm nay là việc ra mắt tuyển tập 24 cuốn sách dành tặng cố lãnh tụ Fidel cùng các hội thảo nêu bật những đóng góp của nhà cách mạng trong lĩnh vực văn học và thói quen đọc sách của ông.​

Khách mời năm nay tại Hội chợ Sách quốc tế lần thứ 26 là Canada - quốc gia kỷ niệm 150 năm thành lập quan hệ ngoại giao với Cuba trong năm 2017. Bà Isabelle Berard, Giám đốc các vấn đề Mỹ Latinh thuộc Bộ Ngoại giao Canada, đã bày tỏ niềm vinh dự khi Canada là quốc gia khách mời của FIL năm nay, cho thấy mối quan hệ bền vững giữa 2 nước trong suốt hơn 7 thập kỷ qua.

Bà gửi lời cảm ơn đến Cuba vì đã thừa nhận sự đa dạng văn hóa của Canada. Bà nêu rõ: "Canada và Cuba đều hiểu rõ những lợi ích của mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Sau chuyến thăm Cuba của Thủ tướng Canada Justin Trudeu hồi năm ngoái, Canada luôn sẵn sàng củng cố mối quan hệ song phương dựa trên cách tiếp cận tôn trọng và sự can dự mang tính xây dựng."

Hội chợ Sách quốc tế La Habana, một trong những hội chợ sách lớn nhất Mỹ Latinh, luôn được coi là sự kiện xuất bản và văn học lớn nhất trong năm của đảo quốc Caribe này.

Dù chỉ có dân số 11 triệu người, nhưng Cuba sở hữu một trong những nền văn học phong phú và có bề dày nhất trong số các nước nói tiếng Tây Ban Nha.

Đọc sách cũng là một thói quen phổ biến của người dân  đảo quốc Caribe này, một trong những yếu tố giúp Cuba vẫn có được một nền khoa học tương đối phát triển bất chấp những khó khăn trong tiếp cận thông tin và công nghệ mới trên thế giới do lệnh cấm vận của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục