Khai mạc Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm lần thứ 3 năm 2021

VietShrimp 2021 là một sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu những thành tựu của ngành tôm Việt Nam thời gian qua, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hợp tác, phát triển, mở rộng thị trường kinh doanh.
Khai mạc Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm lần thứ 3 năm 2021 ảnh 1Các đại biểu tham quan gian hàng tại hội chợ. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)

Ngày 14/4, tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, Hội Nghề cá Việt Nam, Tạp chí Thủy sản Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản đã tổ chức khai mạc Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm lần thứ 3 năm 2021-VietShrimp 2021 với chủ đề "Đích đến bền vững."

VietShrimp 2021 lần này có sự tham gia của gần 200 gian hàng của gần 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong tất cả lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản.

Cùng với việc trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, công nghệ của các doanh nghiệp như sản xuất tôm giống, thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học; công nghệ, máy móc, thiết bị chế biến, dịch vụ hậu cần ngành tôm..., VietShrimp 2021 còn tổ chức các phiên hội thảo chuyên đề với sự tham gia và chia sẻ thông tin hữu ích của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp có tâm và có tầm nhằm giới thiệu những mô hình sản xuất hiệu quả, thảo luận những định hướng và giải pháp để phát triển nuôi tôm hiệu quả và bền vững.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Trung ương Hội nghề cá Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Hội chợ, VietShrimp 2021 là một sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu những thành tựu của ngành tôm Việt Nam thời gian qua, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hợp tác, phát triển, mở rộng thị trường kinh doanh, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghệ mới của các doanh nghiệp đến người sản xuất, giúp các đối tác tham gia trong chuỗi sản xuất tôm có cái nhìn xác thực và hành động phù hợp với các tiêu chí nuôi trồng có trách nhiệm, nhằm đảm bảo nghề nuôi tôm Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững...

[Doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu mở rộng đầu tư cho dài hạn]

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có hơn 200.000 ha nuôi tôm công nghệ cao; trong đó tập trung nhiều nhất là tại hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, với tổng diện tích khoảng 186.000ha.

Hai địa phương này được các doanh nghiệp nước ngoài tập trung đầu tư nguồn lực phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Năm 2021, toàn ngành đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 740.000 ha, sản lượng 930.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD.

Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm của ngành tôm thế giới, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn.

Việt Nam có thể trở thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045.

Với chủ đề “Đích đến bền vững,” VietShrimp 2021 mong muốn được chung tay đóng góp để cùng hành động, hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, trở thành “diễn đàn” lớn của cả 4 nhà: nhà quản lý-nhà khoa học-nhà kinh doanh-nhà nông; giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới, mô hình tiên tiến, kết nối sản xuất, tiêu thụ, nhằm nâng cao sản lượng, giá trị, bảo đảm lợi ích cho cộng đồng ngành tôm Việt Nam; tăng cường quảng bá hình ảnh con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới… đưa thủy sản Việt Nam nói chung, tôm Việt Nam nói riêng “bơi” xa, từng bước chinh phục giấc mơ toàn cầu....

Hội chợ triển lãm VietShrimp 2021 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14-16/4/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.