Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại APEC

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã khai mạc tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea.
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại APEC ảnh 1(Nguồn: sputniknews)

Theo hãng tin Kyodo, ngày 15/11, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã khai mạc tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea.

Kyodo dẫn nguồn tin các đại biểu tham dự hội nghị cho biết dự kiến các bộ trưởng sẽ thảo luận các biện pháp nhằm mở cửa hơn nữa thị trường và hội nhập kinh tế khu vực trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

Các bộ trưởng cũng sẽ xem xét các biện pháp nhằm hiện thực hóa thỏa thuận Khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) chiếm khoảng 1/2 thương mại toàn cầu và 60% kinh tế thế giới.

[20 năm tham gia APEC: Từ tầm nhìn chiến lược đến những dấu ấn Việt Nam]

FTAAP sẽ dựa trên cơ sở Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

CPTPP gồm 11 nước thành viên và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 30/12 tới, trong khi RCEP có 16 nước tham gia và đang tiến hành đàm phán để ký kết hiệp định. Mỹ không tham gia cả hai hiệp định trên.

Hội nghị này mở đường cho hội nghị cấp cao APEC dự kiến diễn ra từ ngày 17-18/11 tại Papua New Guinea với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, trong đó có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị.

APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có 11 nước thành viên CPTPP (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam), ngoài ra có Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Papua New Guinea, Philippines, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.