Khai mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội

Hội nghị xem xét báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Khai mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ảnh 1Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thông qua nội dung, chương trình Hội nghị. (Nguồn: Hanoi.gov.vn)

Ngày 2/7, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI đã khai mạc tại Hội trường Thành ủy Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

Đồng chủ trì Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến và thông qua Dự thảo kế hoạch của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố; Báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo giữa nhiệm kỳ Thành ủy khóa XVI (nhiệm kỳ 2015-2020); Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) và Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Hội nghị xem xét báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Thành ủy; Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của thành phố Hà Nội.

Trình bày báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) và Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Kinh tế phát triển ổn định ở mức cao và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; không gian kinh tế được mở rộng, phát triển. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) sau 10 năm tăng gần 2 lần (năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu đạt 86 triệu đồng (tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008); thu ngân sách đạt 212.276 tỷ đồng (tăng gần 3 lần). Tổng vốn đầu tư xã hội tăng gấp 2,85 lần, vốn nhà nước năm 2017 gấp 3,4 lần.

Các đại biểu khẳng định Nghị quyết 15 là đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với sự phát triển của đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng.

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho rằng khi về với Hà Nội, phương pháp công tác và cách thức làm việc của cán bộ huyện cũng khác hơn, về cả khối lượng và tính chất công việc. Người dân được sử dụng nước sạch đạt 62%.

Nhờ Chương trình 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” của Thành ủy Hà Nội, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2008, thu nhập bình quân đạt 6,8 triệu người/năm; năm 2017 đạt 38 triệu người/năm.

Đồng quan điểm, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng cũng cho rằng, từ khi hợp nhất Hà Tây về Hà Nội, Ba Vì đã có bước phát triển mạnh mẽ. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống người dân được nâng cao. Rõ nét nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trung bình gấp 3 lần/năm đã tạo diện mạo mới cho các vùng nông thôn.

Tổng hợp các ý kiến nêu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu bật nhận định chung của các đại biểu đều khẳng định sau 10 năm hợp nhất các chương trình, hành động, mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền thành phố đã đi đúng hướng phù hợp với thực tiễn phát triển của Thủ đô và đất nước.

[Thủ tướng: Hà Nội cần tìm kiếm nguồn động lực tăng trưởng mới đột phá]

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Thủ đô tiếp tục được hoàn thiện và phát triển. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục 5 năm liền kể từ năm 2012 (năm 2016 xếp thứ 14/63, năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố và cao nhất từ trước tới nay). Từ đó, Hà Nội nằm trong tốp 10 thành phố năng động nhất thế giới. Thu, chi ngân sách luôn bảo đảm được dự toán Trung ương giao.

Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô được tập trung chỉ đạo ngay từ những ngày đầu hợp nhất; bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn; giải quyết kịp thời các tình huống phức tạp; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Công tác phòng, chống cháy nổ được chú trọng. Chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô không ngừng được nâng lên. Công tác đối ngoại, hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế được mở rộng, ngày càng nâng cao được vị thế, vai trò của Thủ đô trong nước, khu vực và quốc tế.

Hội nghị làm việc đến ngày 3/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục