Tối ngày 9/12, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (thành phố Pleiku), Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai phối hợp với Hiệp hội Càphê-Ca cao Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Ngày càphê Việt Nam lần thứ 3 với chủ đề “Gia Lai với văn hóa thưởng thức càphê.”
Ngày càphê Việt Nam 2019 thu hút đông đảo người dân, doanh nghiệp kinh doanh càphê, cùng hơn 60 khách quốc tế đến từ 12 quốc gia trên thế giới, tạo nên không gian văn hóa thưởng thức càphê độc đáo.
Ngày càphê Việt Nam là điểm đến hội tụ các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh càphê trong và ngoài nước gặp gỡ, tìm hiểu, hướng tới xây dựng các liên minh, liên kết bền vững từ khâu sản xuất, chế biến đến kinh doanh các mặt hàng càphê góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị của càphê Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên cho biết càphê được du nhập vào Gia Lai từ trước năm 1975, nhưng mới phát triển mạnh sau năm 1990 và đang ngày càng khẳng định vị thế trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh cũng như trên thị trường càphê trong nước và thế giới.
Toàn tỉnh hiện có trên 70.000 tổ chức và hộ gia đình trồng càphê với diện tích gần 100.000ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 220.000 tấn nhân.
[Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu càphê]
Phần lớn diện tích cây càphê được trồng tập trung tại cao nguyên Pleiku đất đỏ bazan độ cao 600m-800m so với mặt nước biển nên có hương vị đậm đà, đặc trưng, làm say đắm lòng người.
Gia Lai mong muốn mời gọi các tập đoàn kinh tế, doanh nhân, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đến tìm hiểu về mảnh đất, con người và văn hóa cộng đồng các dân tộc trong tỉnh; tìm hiểu cơ hội hợp tác, liên doanh, liên kết trong đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh càphê cũng như các sản phẩm thế mạnh khác của tỉnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên cho rằng chỉ có hợp tác, liên doanh, liên kết chặt chẽ mới có thể tiếp tục đẩy mạnh phát triển bền vững ngành càphê.
Tính đến hết năm 2018, tổng diện tích càphê của cả nước gần 700.000 ha, năng suất đạt 26 tạ/ha, cao gấp 3 lần so với năng suất bình quân của thế giới.
Sản lượng xuất khẩu càphê đạt gần 1,9 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu gần 4 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp cả nước thời gian qua.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, từ năm 1975 đến nay, cùng với những thành tựu to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành càphê Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về diện tích, năng suất, sản lượng, từng bước xây dựng công nghiệp chế biến càphê hiện đại, đa dạng sản phẩm, phù hợp thị trường.
Nhiều tiến bộ đã được áp dụng như giống mới, kỹ thuật thâm canh, tưới nước tiết kiệm, trồng xen, thiết kế cảnh quan, sơ chế, bảo quản, sản xuất có chứng nhận và nhất là tái canh càphê đạt theo kế hoạch đến năm 2020, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm càphê, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế của ngành càphê.
Lễ kỷ niệm lần thứ 3 Ngày càphê Việt Nam là cơ hội để ngành càphê Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng giới thiệu và quảng bá sản phẩm càphê đến bạn bè quốc tế và trong cả nước.
Đại diện Tổ chức càphê Quốc tế (IOC), ông Gerando Patacconi, khẳng định 30 năm qua, Việt Nam đã trở thành thành viên hàng đầu của ICO và là nhà sản xuất, xuất khẩu càphê lớn thứ 2 thế giới.
Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nổi bật nhất trong lĩnh vực càphê. Theo ông, thách thức quan trọng nhất đối hiện nay là đảm bảo nông dân trồng càphê được có thể đạt được thu nhập và tiền lương hợp lý, đây chính là điều mà ICO tập trung nỗ lực trong năm qua./.