Khai mạc Phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao...
Khai mạc Phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 7/2, Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc tại Nhà Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, diễn ra trong một ngày, Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc; xem xét phê chuẩn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại một số nước nhiệm kỳ 2018-2021.

Trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Thẻo luận về nội dung này, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ băn khoăn về đề xuất quy định tiếp nhận tố cáo bằng thư điện tử, fax và điện thoại.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu ví dụ thực tế ở địa phương, có trường hợp dùng sim rác điện thoại để cung cấp thông tin khai thác than trái phép, trong đó có thông tin chính xác, nhưng cũng có những thông tin theo kiểu “đánh trận giả,” báo sai vị trí để thực hiện khai thác trái phép. Từ đó, đặt ra việc cần thiết phải có giải pháp lưu dấu vết để xử lý.

Theo giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, hình thức tố cáo qua điện thoại thực chất không phải là mới, mà đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng nên luật này ghi nhận lại.

Về tố cáo qua điện thoại, dự thảo luật đã quy định là khi tiếp nhận phải tiến hành thủ tục như tố cáo trực tiếp. Người tố cáo phải nói rõ tên, tuổi, địa chỉ để cơ quan tiếp nhận ghi chép lại. Sau đó, cơ quan tiếp nhận sẽ xác minh, khi rõ nhân thân, rõ vấn đề tố cáo, rõ vi phạm mới ra quyết định thụ lý.

Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, luật hiện hành quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp. Thực chất, việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại chỉ là phương thức thể hiện khác nhau của hai hình thức đó.

Dù tố cáo được thể hiện dưới hình thức nào, trong giai đoạn xử lý ban đầu thông tin tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết đều phải xác định rõ nhân thân của người tố cáo, nội dung tố cáo phải có cơ sở để xác minh, kết luận. Khi có đủ căn cứ mới quyết định có thụ lý giải quyết tố cáo hay không.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc lại ý kiến giải trình của Ủy ban Pháp luật, đồng thời nhấn mạnh, quy định về thủ tục tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại rất chặt chẽ.

Đặc biệt, dự thảo luật cũng quy định rõ trách nhiệm và chế tài với những trường hợp tố cáo sai, lợi dụng tố cáo để gây rối. Với tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chấp nhận việc tố cáo bằng thư điện tử, fax, điện thoại.

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, phường Tiền Châu được thành lập trên cơ sở toàn bộ 7,14 km2 diện tích tự nhiên và 12.689 người của xã Tiền Châu. Phường Nam Viêm được thành lập trên cơ sở toàn bộ 5,88 km2 diện tích tự nhiên và 8.489 người của xã Nam Viêm.

Thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập trên cơ sở toàn bộ 120,13 km2 diện tích tự nhiên, 155.435 người và 10 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Phúc Yên (sau khi thành lập hai phường Tiền Châu và Nam Viêm).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị trong điều chỉnh đơn vị hành chính, thành lập đơn vị hành chính mới phải tuân thủ theo tinh thần các Nghị quyết Trung ương 6, đó là: Nghị quyết số 18-NQ/TW "Về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; Nghị quyết số 19-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; tổ chức lấy ý kiến nhân dân liên quan đến thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục