Đúng 20 giờ ngày 28/3, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội.
Lễ khai mạc bắt đầu với nghi thức chào cờ, Quốc thiều Việt Nam vang lên hùng tráng.
Tham dự và điều hành phiên khai mạc có: Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới Martin Chungong, Cố vấn đặc biệt, đại diện Tổng Thư ký Liên hợp quốc, bà Amina Mohammed.
Dự phiên khai mạc còn có các vị Đại sứ, Đại diện các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Đại hội đồng IPU-132 có chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: biến lời nói thành hành động” thu hút sự tham gia của hơn 1.600 đại biểu đến từ hơn 160 nghị viện thành viên IPU, các thành viên liên kết, các quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế. Trong đó có hơn 100 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, Nghị viện các nước.
Trong bài phát biểu chào mừng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Việt Nam rất vinh dự lần đầu tiên sau 36 năm gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới, được tín nhiệm đăng cai Đại hội đồng IPU-132 tại Hà Nội. Đây không chỉ là hoạt động đối ngoại đa phương rất có ý nghĩa được tổ chức tại Việt Nam, mà còn là một trong những sự kiện lớn của năm 2015 - năm có nhiều hoạt động kỷ niệm quan trọng, đánh dấu những chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước gửi đến các vị khách quý đại diện 166 thành viên của IPU, 10 thành viên liên kết, các quan sát viên và các tổ chức quốc tế, lời chào, lời chúc mừng nồng nhiệt, tình cảm chân thành, lòng mến khách của Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch nước hy vọng rằng, những ngày ở Hà Nội, các đại biểu có dịp tìm hiểu, khám phá truyền thống lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, từ ý tưởng khởi nguồn của các thành viên sáng lập mong muốn xây dựng một thể chế hợp tác liên nghị viện quốc tế, suốt chặng đường lịch sử gần 130 năm qua, IPU đã trở thành diễn đàn nghị viện đa phương quan trọng nhất trên thế giới, có những đóng góp tích cực và to lớn cho hòa bình, hợp tác, phát triển, dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội và các quyền con người.
Sự tồn tại, phát triển và ngày càng lớn mạnh của IPU trước mọi biến thiên của lịch sử là minh chứng hùng hồn về vai trò quan trọng của lập pháp trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phồn vinh.
Với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động,” Đại hội đồng IPU năm nay đặt ra cho chúng ta trọng trách to lớn là cùng nhau trao đổi, chia sẻ các ý tưởng và hành động để góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của nhân loại.
Một trong những ưu tiên của chương trình nghị sự Đại hội đồng IPU lần này là “biến lời nói thành hành động" để luật pháp và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được tôn trọng các thỏa thuận, các quy tắc ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia được thực hiện nghiêm túc các tranh chấp, bất đồng được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, và các dân tộc đều có quyền bình đẳng.
Chủ tịch nước bày tỏ, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của IPU cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nỗ lực hết sức mình cùng nhân dân các nước và cộng đồng quốc tế thúc đẩy xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng.
Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp, các bất đồng giữa các quốc gia, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các thỏa thuận giữa các nước trong khu vực, phản đối sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Trong 36 năm qua, Việt Nam luôn sát cánh cùng các thành viên IPU nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu chung về phát triển bền vững, tăng cường dân chủ, bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, quyền của trẻ em và các quyền cơ bản khác. Từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, đi lên từ điểm xuất phát thấp, Việt Nam ngày nay đang từng bước trở thành đối tác phát triển với nền kinh tế năng động, quan hệ đối ngoại rộng mở và là điểm đến đầy triển vọng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các thành tựu quan trọng về tiến bộ xã hội của Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung của “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ” đã đạt được rất ấn tượng như: xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục, sử dụng nước sạch, phòng trừ dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS và bình đẳng giới đã được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Trong thời gian tới, cùng với các thành viên IPU, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững giai đoạn sau 2015 và coi đây là trọng tâm ưu tiên thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”
Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng nhà nước pháp quyền, mở rộng dân chủ, tăng cường cải cách hành chính, kiện toàn tư pháp, đổi mới lập pháp, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đi đôi với việc giữ vững ổn định chính trị-xã hội.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng, Hội nghị lần này là Hội nghị của hành động để biến các ý tưởng, những đề xuất thành những kết quả cụ thể và thiết thực, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của lập pháp, của nghị viện trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc có tính toàn cầu.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury đánh giá cao công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam và nhấn mạnh nội dung, ý nghĩa của Đại hội đồng IPU-132.
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury bày tỏ những cảm xúc tuyệt vời khi tham dự Đại hội đồng IPU-132 tại Việt Nam - mảnh đất Thăng Long, với hơn 90 triệu dân và nhiều dân tộc, tôn giáo, bản sắc văn hóa phong phú đồng thời thay mặt IPU bày tỏ cảm ơn nước chủ nhà Việt Nam về công tác tổ chức và sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo: “Chúng tôi rất vinh dự được tham dự một trong những sự kiện quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Nhà Quốc hội mới. Các quý vị đã nỗ lực hết mình để chúng tôi có những thời gian dễ chịu, thoải mái và đáng nhớ tại đất nước của các quý vị và chúng tôi vô cùng biết ơn về điều này.”
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury nêu rõ: Hiện nay IPU là tổ chức vững mạnh, trở thành tổ chức với 166 nghị viện thành viên, 45.000 nghị sỹ, họ đại diện cho 6,5 tỷ người dân trên thế giới. Thông qua hội nghị lần này, 90 triệu người dân Việt Nam đã kết nối với hơn 6 tỷ người dân khác trên thế giới. Các bạn đã không chỉ tổ chức sự kiện chu đáo mà các bạn cũng đã đóng góp cho nội dung của chương trình nghị sự của chúng ta và đưa ra một chủ đề mang tính thời sự: “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động.”
Chúng tôi rất cảm ơn Việt Nam về sự đóng góp đó. Chúng ta đã thảo luận phù hợp với tiến trình đang diễn ra tại Liên hợp quốc và bà Cố vấn sẽ báo cáo với ngài Tổng Thư ký về những gì chúng ta đã cùng thảo luận với nhau ngày hôm nay. Cái tên Hà Nội sẽ quan trọng với việc hình thành mục tiêu phát triển bền vững và đây là di sản, sự đóng góp lớn của chúng ta. Chúng ta biết rằng, sẽ không thể tiếp tục theo đuổi GDP mà cần phải hướng tới sự phát triển bền vững và hạnh phúc của người dân.
Tuy nhiên, trong mọi nỗ lực của chúng ta thì vị trí trung tâm của người dân, những người mà chúng ta đại diện sẽ rất quan trọng dù đó là vấn đề về an ninh, con người hay là nhân quyền đều rất là quan trọng. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn nói là phải hướng tới người dân, và đặt người dân vào những trọng tâm thảo luận của chúng ta. Nếu nguyện vọng của người dân không được phản ánh trong các mục tiêu phát triển bền vững. Điều này có nghĩa rằng chúng ta không đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Do vậy, Đại hội đồng IPU lần này tại Hà Nội mang ý nghĩa rất quan trọng."
Chủ tịch IPU Saber Chowdhury cho rằng: Năm 2015 cũng là năm quan trọng đối với Liên hợp quốc. Đầu tháng này tại Sendai, chúng ta đã đưa ra một khuôn khổ mới về giảm thiểu thiên tai và tháng Chín tới chúng ta đã thông qua các mục tiêu phát triển bền vững và hy vọng rằng vào tháng 12 chúng ta có thể nhất trí với nhau về một khuôn khổ mới vì biến đổi khí hậu. Đây là thách thức lớn mà thế giới chúng ta phải đối mặt và còn nhiềusự kiện khác nữa trong năm nay.
Chúng ta với tư cách là những nghị sỹ cần phải xem làm thế nào đóng góp kết nối những sự kiện này để những kết quả của nó có thể hỗ trợ cho nhau và đây là cơ hội tuyệt vời. Với tư cách là những nghị sỹ, chúng ta có thể đóng góp thông qua những chức năng của mình, chức năng đại diện ý chú của người dân giám sát và lập pháp, thông qua ngân sách. Chúng ta cần phải triển khai mục tiêu phát triển bền vững. Nếu như làm được điều này, chúng ta sẽ đóng góp được cho nhân loại một giai đoạn, một thế hệ mà chúng ta có rất nhiều cơ hội và các nghị sỹ cần phải đóng vai trò dẫn dắt.
Tiếp đó, Cố vấn đặc biệt, đại diện của Tổng thư ký Liên hợp quốc, bà Amina J.Mohammed đã đọc Thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ngài Ban Ki-moon gửi tới Đại hội đồng IPU-132.
Trong đó, nhấn mạnh: “...Tôi hoan nghênh chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” của Đại hội đồng lần này, cũng như nhiều vấn đề quan trọng khác sẽ được thảo luận, nhằm bổ sung và đóng góp nỗ lực cho chính chúng ta tại Liên hợp quốc. Các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc hiện đang tiến hành đàm phán liên chính phủ về chương trình nghị sự phát triển giai đoạn sau 2015. Như đã nhất trí tại thành phố Rio năm 2012, sự phát triển sau năm 2015 sẽ được thực hiện tại tất cả các nước trên cả ba khía cạnh của phát triển bền vững là kinh tế, môi trường và xã hội.
Mục tiêu của chúng ta là xây dựng được môt chương trình nghị sự đáp ứng được nguyện vọng của người dân và của hành tinh này. Tiến trình xây dựng 17 mục tiêu của chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 là chưa từng có. Tiến trình này đã khích lệ cộng đồng quốc tế và khơi dậy sự hào hứng, lạc quan cho các thành viên Liên hợp quốc. Tiến trình này cũng đang được giám sát một cách sát sao bên ngoài Liên hợp quốc.
Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu của những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ diễn ra vào tháng Chín năm nay sẽ thông qua chương trình phát triển giai đoạn sau năm 2015. Các nghị sỹ có vai trò trong tiến trình này thông qua Hội nghị thế giới lần thứ tư của những người đứng đầu Nghị viện sẽ diễn ra tại trụ sở của Liên hợp quốc tại New York. Sự kiện này nằm trong hàng loạt hội nghị, diễn đàn cấp cao hướng tới Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu của Liên hợp quốc.
Chúng ta đã có trong tay danh sách đầy tham vọng, đó là việc thành lập Nhóm công tác mở về việc thành lập Các mục tiêu phát triển bền vững. Trong 18 tháng qua, các nước thành viên của Liên hợp quốc đã cùng xây dựng một đề xuất chuyển đổi bao gồm 17 Mục tiêu phát triển bền vững và 169 chỉ tiêu. Các nước thành viên đã tham khảo ý kiến của Liên hợp quốc, xã hội dân sự, khu vực tư nhân , giới nghị sĩ, giới học giả và nhiều nhóm khác. Hơn 60 quốc gia đã tiến hành thảo luận trong nước ở cấp trung ương và địa phương.
Với sức mạnh của sự tập hợp toàn cầu, Liên hợp quốc đã ủng hộ sự thảo luận toàn cầu, tập hợp các bên tham gia và đóng góp những ý kiến thực chất bất cứ khi nào được yêu cầu. Các mục tiêu phát triển bền vững được đề xuất tập hợp đầy đủ ở cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Các mục tiêu này đưa vấn đề xóa đói giảm nghèo làm trọng tâm, bao gồm những mục tiêu riêng rẽ về sản xuất, năng lực sản xuất, biến đổi khí hậu, y tế và sức khỏe, sự thịnh vượng, trao quyền cho phụ nữ và bất bình đẳng, đề ra các cách thức xây dựng các xã hội bình đẳng và toàn diện.
Các mục tiêu này quy định cách thức triển khai tài chính và phi tài chính dưới dạng các chỉ tiêu xuyên suốt các mục tiêu và dưới dạng các mục tiêu riêng biệt. Quan trọng hơn cả, các Mục tiêu phát triển bền vững được đề xuất, không để một ai bị để lại phía sau. Điều này không chỉ được thể hiện qua trọng tâm của chương trình nghị sự, mà còn qua cách mà tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình giải pháp và vai trò có thể nhìn thấy trước của các chủ thể này trong việc thực hiện giám sát các biện pháp đó. Đây là lý do vì sao vai trò của Nghị viện có tính then chốt, đóng vai trò là cầu nối giữa người dân với chính phủ của họ.
Các nghị viện có thể và cần phải là người dẫn dắt, hướng dẫn hành động và thúc đẩy trách nhiệm giải trình và thực thi. Các nghị viện có vai trò đặc biệt trong việc tuyên truyền các chương trình nghị sự phát triển đến người dân và làm cho chương trình này trở thành khuôn khổ hữu hình đối với người dân ở tất cả các nước. Các nghị viện có thể hỗ trợ và tạo thuận lợi cho quá trình thảo luận ở các quốc gia về việc mỗi nước nhìn nhận như thế nào về tương lai phát triển bền vững của mình.
Bà Amina J.Mohammed tin tưởng và hy vọng rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa Liên hợp quốc và IPU sẽ được tăng cường với việc hai tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác trong thời gian tới và sẽ tiếp tục trong quãng thời gian đầy hứng khởi này.
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu khai mạc Đại hội đồng IPU-132.
Nhiệt liệt chào mừng các đại biểu và khách quý từ khắp năm châu về tham dự Đại hội đồng IPU-132 tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Nội dung Chương trình nghị sự của Đại hội đồng IPU lần này tập trung vào chủ đề: “Những mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động.”
Đây là chủ đề hết sức quan trọng được IPU thảo luận vào đúng thời điểm chuẩn bị kết thúc 15 năm (2000-2015) thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và Liên hợp quốc đang thảo luận để chuẩn bị thông qua một Chương trình nghị sự về phát triển cho giai đoạn sau 2015.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tại Đại hội đồng lần này, chúng ta có trách nhiệm trao đổi kỹ về vai trò, nhiệm vụ và biện pháp của các Quốc hội và Nghị viện để “biến những lời nói thành hành động,” thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), thông qua việc thể chế hóa bằng luật pháp, nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực của xã hội và người dân, huy động nguồn lực, ngân sách, tài chính và kỹ thuật cho việc thực hiện, giám sát hiệu quả các nội dung của SDGs.
Bên cạnh đó, Đại hội đồng sẽ dành thời gian thảo luận nhiều chủ đề quan trọng về vai trò của nghị viện trong các vấn đề an ninh mạng, hình thành cơ chế mới về quản trị nước, luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, quyền con người, bình đẳng giới, các vấn đề của Liên hợp quốc, nhân quyền của nghị sỹ chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, HIV/AIDS…
Diễn ra vào đúng kỷ niệm 70 thành lập Liên hợp quốc, 30 năm thành lập Hội nghị Nữ nghị sỹ, 25 năm thực hiện Công ước về quyền trẻ em và 20 năm Tuyên bố về Chương trình hành động Bắc Kinh…, đây là cơ hội rất tốt để chúng ta trao đổi sâu hơn về vai trò của Quốc hội và Nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện những lĩnh vực quan trọng này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ tin tưởng rằng Đại Hội đồng sẽ hoàn thành tốt đẹp các Chương trình nghị sự đã đặt ra và thống nhất cao để đưa ra “Tuyên bố của IPU tại Hà Nội,” thể hiện các vấn đề lớn được trao đổi và thể hiện những cam kết của IPU và các nghị viện thành viên đối với việc thúc đẩy thực hiện Chương trình phát triển sau năm 2015.
Văn kiện quan trọng này sẽ được trình Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng Chín tới. Tuyên bố Hà Nội với thông điệp rõ ràng về vai trò của Nghị viện đối với thực hiện Chương trình phát triển sau 2015 sẽ là đóng góp thiết thực của IPU đối với giai đoạn phát triển mới của cộng đồng quốc tế.
Nêu bật quyết tâm và nỗ lực của nước chủ nhà trong việc tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Thực hiện trọng trách tổ chức Đại hội đồng 132, Quốc hội Việt Nam đã và sẽ làm hết sức mình để chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt cho sự kiện ngoại giao nghị viện lớn nhất hành tinh này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn, bên cạnh chương trình chính thức của Đại hội đồng, các đại biểu cũng dành thời gian tham dự các chương trình văn hóa nghệ thuật, tham quan để cảm nhận sâu sắc hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam, về tình cảm thân thiện và lòng mến khách của người dân Việt Nam.
Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trang trọng đánh một hồi chiêng, chính thức khai mạc Đại hội đồng IPU-132.
Tại Đại hội đồng IPU-132, các nghị sĩ sẽ xem xét thông qua các dự thảo Nghị quyết tại 4 Ủy ban: Về hòa bình và an ninh quốc tế phát triển bền vững, tài chính và thương mại dân chủ và nhân quyền và về các vấn đề liên hợp quốc. Các nghị sỹ cũng sẽ thảo luận và xem xét thông qua Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp.
Ngay sau lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì chiêu đãi trọng thể các đại biểu tham dự Đại hội đồng IPU-132 tại Nhà Quốc hội ở thủ đô Hà Nội.
Trong thời gian Đại hội đồng IPU-132 từ ngày 28/3 đến ngày 1/4, sẽ diễn ra khoảng 70 phiên thảo luận và 70 cuộc tiếp xúc song phương. Các phiên họp của Đại hội đồng sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia./.