Ngày 17/10, tại nông trường Lùng Thàng, xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và tỉnh Lai Châu tổ chức lễ khai thác mủ cao su đánh dấu thời gian 9 năm triển khai dự án phát triển cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc (2007-2016).
Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và tỉnh Lai Châu mà còn làm thỏa lòng mong đợi lâu nay của đồng bào các dân tộc tham gia góp đất trồng để phát triển cây cao su tại địa bàn.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đã biểu dương những nỗ lực trong phối hợp của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trong 9 năm vừa qua để cây cao su phát triển tốt tại Lai Châu.
"Phát triển cây cao su vùng Tây Bắc là chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, mang ý nghĩa đột phá về kinh tế và kỳ vọng sẽ đem lại những chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo; tạo việc làm, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh Tây Bắc," ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Để tạo điều kiện cho cây cao su phát triển bền vững trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc nói chung và cho Lai Châu nói riêng, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị trong thời gian tới, Ban cán sự Đảng các bộ, ngành Trung ương có liên quan cần xem xét, chỉ đạo giải quyết một số chính sách ưu đãi, đặc thù đối với Chương trình phát triển cây cao su của tỉnh Lai Châu theo Kết luận số 70 ngày 10/9/2014 của Ban Bí thư; Ban Cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tỉnh ủy Lai Châu, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương trong triển khai Ðề án “Chủ trương, chính sách về đẩy mạnh tích tụ tập trung ruộng đất trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn” trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào quý 4 năm 2017 đồng thời, sớm nghiên cứu, đề xuất “cơ chế khuyến khích phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn với hình thức đa dạng, phù hợp với quy hoạch và điều kiện của từng vùng, đặc điểm của từng sản phẩm” theo như nhiệm vụ đã nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XII.
Cùng đó, các ban, bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cần quan tâm hỗ trợ, giới thiệu các nhà đầu tư có tiềm lực để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại các tỉnh Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng.
Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phối hợp với tỉnh Lai Châu chỉ đạo thực hiện tập trung nguồn lực, ưu tiên phát triển hạ tầng thiết yếu vùng cao su, nhất là hệ thống đường giao thông vùng cao su, điện, nước, y tế... Các công ty thành viên của Tập đoàn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đề ra các biện pháp hợp lý để quản lý vườn cây cao su trong thời kỳ kiến thiết, qua đó áp dụng kỹ thuật chăm sóc, chế độ cạo mủ theo hướng giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Đảm bảo quyền lợi lâu dài của người dân tham gia góp đất và của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tuyên truyền vận động người dân ký hợp đồng hợp tác với các công ty thành viên của Tập đoàn. Việc ký kết hợp đồng góp đất phải được thực hiện trước khi đưa vườn cây cao su vào khai thác. Đối với diện tích đất không phù hợp trồng cây cao su trong vùng dự án, cần nghiên cứu chuyển đổi mục đích sang trồng các loại cây khác như trồng rừng kinh tế, trồng chuối... để tăng hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí tài nguyên đất.
Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần phối hợp đồng bộ hơn nữa trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của địa phương và vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động, nhân dân trong vùng chấp hành tốt các quy định của Nhà nước; phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng doanh nghiệp và địa phương ngày càng phát triển; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, công nhân viên, người lao động, trọng tâm là phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, chương trình an sinh xã hội, để góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động và đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng tái định cư các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Cùng với các tỉnh phía Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu giàu tiềm năng nhờ diện tích tự nhiên lớn, điều kiện khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ... rất phù hợp cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô tập trung hàng hóa. Việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói riêng khu vực lân cận còn có ý nghĩa quan trọng, góp phần ổn định đời sống của các hộ dân tái định cư công trình thuỷ điện, đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Sự kiện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và tỉnh Lai Châu tổ chức khai thác mủ cao su tại nông trường Lùng Thàng thuộc Công ty cổ phần Cao su Lai Châu đã đánh dấu chặng đường Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam triển khai dự án phát triển cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện tỉnh Lai Châu có khoảng 12.800ha cây cao su với 3 công ty; trong đó, Công ty cổ phần cao su Lai Châu chiếm gần 7.000ha (71ha bắt đầu khai thác mủ từ tháng 8/2016). Diện tích đất do người dân góp vào công ty trồng cao su là 13.865 ha với 13.891 hộ và cá nhân. Tổng số lao động tham gia dự án trồng cao su là gần 2.300 người trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc, thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng…
Tại đây, ông Nguyễn Văn Bình cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương đã đi thăm thực địa, cạo mủ cao su tại lô số 6 của nông trường cao su Lùng Thàng./.