Thương mại biên giới có vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia. Tuy nhiên, tại tỉnh Bình Phước và các tỉnh giáp biên với Campuchia, thương mại biên giới vẫn chiếm quy mô nhỏ, thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng.
Để phát triển thương mại biên giới, tỉnh Bình Phước xác định, cần khai thác các tiềm năng, lợi thế, thu hút các nguồn lực góp phần gia tăng tỷ trọng thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Kinh tế biên mậu còn hạn chế
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu trong những năm qua tăng trưởng đều, năm sau cao hơn năm trước và chủ yếu tập trung nhiều nhất tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư trên địa bàn huyện Lộc Ninh (Bình Phước).
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, các cửa khẩu gồm Hoàng Diệu, Lộc Thịnh đã có sự gia tăng về nhanh về kim ngạch, do thu hút thêm một số mặt hàng mới nhập khẩu qua cửa khẩu như hạt điều thô, chuối tươi, củ sắn (mỳ), cao su, đá granite, dầu chai, gỗ từ rừng trồng...
Cư dân biên giới tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, cửa khẩu chính Hoàng Diệu, Lộc Thịnh, cửa khẩu phụ Tân Tiến và lối mở Lộc Tấn đều có hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa với cư dân biên giới của Campuchia. Tuy nhiên, số lượng và giá trị nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng biên.
Đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết, việc trao đổi mua bán của cư dân biên giới thông qua các chợ xã biên giới rất hạn chế, do điều kiện về địa lý không thuận tiện, chợ nằm cách xa đường biên.
Mặt khác, do mật độ cư dân sinh sống tại khu vực giáp biên giữa tỉnh Bình Phước và các tỉnh phía Campuchia còn thưa thớt nên việc giao thương, trao đổi mua bán của cư dân biên giới còn nhỏ lẻ, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng cho gia đình như: thực phẩm, bột giặt, nước rửa chén, đồ nhựa, mì ăn liền, trái cây, sắn lát, than củi...
[Xuất khẩu hạt điều của tỉnh Bình Phước vẫn đạt 1 tỷ USD]
Hoạt động đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư đã thu hút được 91 dự án với diện tích đất cho thuê là 1.685 ha. Hiện đã có 38 dự án đã xây dựng và đi vào hoạt động, chủ yếu là thu mua nông sản với diện tích khoảng 140 ha, thu hút khoảng 400 lao động; 14 dự án đang triển khai xây dựng với diện tích khoảng 91ha; các dự án còn lại đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng.
Nhìn chung, việc triển khai dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư còn chậm, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, chưa tạo động lực lớn để lan tỏa, thu hút phát triển kinh tế biên mậu; hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư hoàn thiện như: tuyến Quốc lộ 13 và tuyến đường phía Tây Quốc lộ 13 đang được đầu tư kết nối đến cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư; tuyến ĐT 759 đến cửa khẩu Hoàng Diệu, tuyến ĐT 757 đến cửa khẩu phụ Tân Tiến; tuyến đường Minh Lập-Lộc Hiệp...
Tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, dự án Cảng cạn IDC, kho bãi đã được doanh nghiệp quan tâm đầu tư, tuy nhiên tiến độ còn chậm, chưa đi vào hoạt động. Hoạt động mậu dịch biên giới quy mô nhỏ lẻ, chưa phát huy được tiềm năng. Doanh nghiệp kinh doanh, phân phối phát triển chậm, chưa đủ lực tham gia trực tiếp vào thị trường Campuchia.
Thúc đẩy phát triển thương mại biên giới
Việt Nam và Campuchia có đường biên giới dài hơn 1.137 km; trong đó, Việt Nam có 10 tỉnh biên giới giáp với 9 tỉnh của Campuchia. Riêng tỉnh Bình Phước có đường biên giới chung với Campuchia dài hơn 260 km, nằm trên địa bàn các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập và huyện Lộc Ninh tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Campuchia gồm Mondulkiri, Kratié và Tabong Khmum.
Giữa hai nước có 11 cửa khẩu quốc tế, 10 cửa khẩu quốc gia, có 25 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn. Riêng tỉnh Bình Phước có 4 cửa khẩu, gồm: Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, cửa khẩu Lộc Thịnh (huyện Lộc Ninh), cửa khẩu quốc gia Hoàng Diệu và cửa khẩu phụ Tân Tiến (huyện Bù Đốp), cùng một số đường mòn, lối mở. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch trao đổi qua biên giới Việt Nam và Campuchia chiếm tỷ trọng bình quân khoảng 90% trong tổng kim ngạch thương mại song phương.Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia đạt 7,4 tỷ USD, tăng 118,7% so với năm 2020 (chiếm 78,3% trong 9,5 tỷ USD giá trị ngoại thương với Campuchia).
Tại hội nghị tuyên truyền công tác biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia mới đây, ông Tô Ngọc Sơn nhấn mạnh, hoạt động thương mại Việt Nam-Campuchia, nhất là thương mại biên giới đã tạo điều kiện để các tỉnh giáp biên giới khai thác, phát huy thế mạnh và tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, liên doanh, liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước, dần dần tạo nên những khu kinh tế vùng biên năng động. Đồng thời, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa nhân dân hai nước; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, cải thiện đời sống, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động, củng cố an ninh quốc phòng tại khu vực biên giới.
Nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới, tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống thương mại, thương mại điện tử và thương mại biên giới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.” Theo đó, tỉnh phấn đấu nâng tổng kim ngạch xuất khẩu biên mậu giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 900 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,3%; giai đoạn 2026-2030 đạt 1,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,5%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu biên mậu giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 1,6 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11%; giai đoạn 2026-2030 đạt 3,1 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,2%.
Cùng với đó, tỉnh Bình Phước sẽ triển khai nâng cấp cửa khẩu phụ Tân Tiến - Bù Đốp lên thành cửa khẩu chính, cửa khẩu Hoàng Diệu lên thành cửa khẩu quốc tế; thành lập cửa khẩu phụ Ô Huýt (Đắk Ơ) - Bù Gia Mập, địa điểm X16 thành cửa khẩu chính Lộc Tấn; xây dựng hạ tầng 3 cửa khẩu Hoàng Diệu, Tân Tiến, Lộc Thịnh; phát triển kết cấu hạ tầng tại khu vực biên giới gồm: cầu, đường, kho bãi, cảng cạn, trung tâm logistics...
Tỉnh Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư trên 28.000 ha; có 9 cụm công nghiệp; trong đó, có 1 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và 8 cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay, tỉnh đang thu hút các nguồn vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, chợ đường biên; Khu Thương mại-Dịch vụ-Công nghiệp cửa khẩu Hoàng Diệu, Lộc Thịnh và Tân Thành...
Cùng đó, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các loại hình dịch vụ tại cửa khẩu, tập trung vào kho bãi, dịch vụ logisitics, tài chính... theo quy hoạch phân khu chức năng các cửa khẩu. Ngoài ra, tập trung thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng, tăng khả năng lắp đầy tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư góp phần thúc đẩy phát triển thương mại biên giới./.