Khai thác tiềm năng, lợi thế các địa phương dân tộc thiểu số, miền núi

Nếu được phê duyệt, phạm vi thực hiện Đề án sẽ bao trùm các địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã, thôn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Khai thác tiềm năng, lợi thế các địa phương dân tộc thiểu số, miền núi ảnh 1Một phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 1/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Phiên họp tiếp tục được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi.

Mục tiêu của Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn được xác định nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển.

Đề án cũng hướng đến việc giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa. 

Đề án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Theo đó, một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 có thể kể đến như: phấn đấu đưa thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần so với năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% đến 5%; đảm bảo tất cả các xã có đường ôtô đến trung tâm theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giao thông Vận tải...

[Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước]

Nếu được phê duyệt, phạm vi thực hiện Đề án sẽ bao trùm các địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã, thôn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (không bao gồm xã thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo) giai đoạn 2021 - 2030.

Đối tượng điều chỉnh là các xã, thôn đặc biệt khó khăn; các hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; các hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.

Theo chương trình, ngày 18/11, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết về Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Trong phiên họp chiều, Quốc hội họp tại hội trường thảo luận về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục