Khám phá khu vườn bí ẩn trong tranh sơn mài của họa sĩ Vũ Văn Tịch

Họa sỹ Vũ Văn Tịch ứng dụng nhiều phương thức biểu đạt mới mẻ trong sáng tác tranh sơn mài để tạo ra một khu vườn vừa bí ẩn, vừa nên thơ, chất chứa nhiều hoài niệm cá nhân.
Họa sỹ Vũ Văn Tịch (phải) và giám tuyển triển lãm Vân Vi. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 22/10, họa sỹ Vũ Văn Tịch (sinh năm 1989) khai mạc triển lãm cá nhân đầu tiên của mình tại Hà Nội, giới thiệu 30 bức tranh sơn mài vừa mang hơi hướng cổ điển, vừa đậm cá tính hiện đại.

Triển lãm “Trong vườn” mở ra một khoảng không gian vừa bí ẩn, vừa nên thơ, chất chứa hoài niệm của nghệ sỹ về những khu vườn thời thơ ấu. Qua các bức tranh, họa sỹ cũng thể hiện ước muốn rằng các đô thị hiện đại sẽ có thêm nhiều không gian xanh để con người có thể sống hòa mình với thiên nhiên và có một nơi chốn tĩnh lặng, bình yên để tự do ôm ấp suy tưởng của mình.

Họa sỹ bắt đầu dự án này từ năm 2019, sau khi đã dành 10 năm thực hành nghệ thuật sơn mài. Anh say mê chất liệu sơn ta truyền thống song vẫn cố gắng đổi mới phương thức thể hiện từ những cảm nhận cá nhân. Chẳng hạn, anh dùng vỏ trứng cút để thêm sắc độ cho tranh thay vì chỉ dùng vỏ trứng gà, trứng vịt như cách làm truyền thống. Anh cũng xay nhỏ bạc ra ở các mức độ mịn khác nhau rồi trộn cùng sơn để tạo thêm hiệu ứng ánh sáng.

Bức tranh Xuân về.

Theo giám tuyển Vân Vi, hai bức tranh “Trong vườn”“Xuân về” có kích thước lên tới 1,6m mô tả những cảnh sắc lãng mạn của hoa cỏ miền Tây Bắc. Các bức tranh khác như “Xương rồng tím,” “Ngày gió” hay “Đêm” lại tập trung vào vẻ đẹp tinh tế hoặc các trạng thái, cá tính khác nhau của những loài cây ở trong vườn.

Trên nền tối lạnh, bức tranh “Chiều buông” nổi bật màu cam đỏ của bụi hoa. Những tán lá lẩn khuất phía sau trong một màn đêm huyền bí. Bức tranh gợi nhắc người xem nhớ về những cảm giác xa vắng đâu đó trong ký ức.

[Thưởng lãm tranh dân gian theo phương thức biểu đạt mới]

Trong khi đó, “Mai vàng” là bức tranh được sáng tác lấy cảm hứng từ một sự kiện cá nhân đặc biệt. Họa sỹ sử dụng các lớp màu tím mỏng đa sắc độ nhuộm trên bề mặt, cùng lớp bạc/vàng phía bên dưới phản quang xuyên thấu, tạo nên một nền trời trong suốt và sâu thẳm.

Tác phẩm của Vũ Văn Tịch mô tả những khu vườn vào lúc sáng sớm hoặc hoàng hôn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Bằng cách sử dụng các kỹ thuật trên sơn mài như kỹ thuật dùng bạc mịn, vẽ xuyên lớp, kết hợp 3 sắc son, cùng việc kết hợp các thủ pháp nghệ thuật như đảo ngược những mảng tối sáng, dùng ngôn ngữ biểu tượng…Văn Tịch đã tạo ra một khu vườn sinh động và rực rỡ,” chị Vân Vi cho biết.

Theo giám tuyển của triển lãm, tranh sơn mài ở nước ta có quá trình phát triển chưa đến 100 năm kể từ khi những người thầy đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đưa chất liệu sơn mài trở thành chất liệu sáng tác cho họa sỹ, tuy nhiên nó đã sớm trở thành “đặc sản” của mỹ thuật Việt. So với các loại tranh khác, tranh sơn mài rất khó thực hiện, có nhiều công đoạn mài ủ và các yếu tố phụ thuộc bao gồm cả độ ẩm và thời tiết. Vật liệu được sử dụng trong sơn mài là các thành phần đến từ tự nhiên như: sơn ta, son, vàng, bạc, xà cừ, vỏ trứng, vỏ trai…

“Bản thân Văn Tịch hiện nay có thể ứng dụng đến hàng trăm chất liệu mới trong quá trình thực hiện một tác phẩm sơn mài. Nhưng trên hết, không phải cách cấu tạo có thể làm ra tính nghệ thuật, mà chính là một tâm hồn nhiều rung cảm. Chúng tôi tin rằng sự rung cảm của anh sẽ đưa chúng ta vào những khoảnh khắc kỳ ảo nên thơ,” giám tuyển Vân Vi chia sẻ.

Xương rồng tím.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, họa sỹ cho biết anh rất tâm đắc với bức “Xương rồng tím” và đây cũng là tác phẩm có thời gian sáng tác rất dài (3 năm) với nhiều công phu của nghệ sỹ.

“Tôi đặt những bông hoa đỏ cam trên một nền tối sẫm mang sắc tím. Khi có ánh sáng chiếu vào tất cả lớp vàng lót ở dưới cho phép bụi hoa hiện lên rực cháy. ‘Xương rồng tím’ với tôi giống như chí khí của một người đàn ông, ngoài thì cứng nhưng ở bên trong vẫn mềm và trong bất cứ hoàn cảnh nào xương rồng đều có thể sống được. Chúng luôn vươn lên mạnh mẽ,” họa sỹ chia sẻ.

Triển lãm kéo dài đến 15/11 tại Muse Art Space, 47 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm. Hà Nội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục