Trại lợn của ông Mai Văn Tuấn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế dựng sát khu dân cư nhưng không gây ô nhiễm nhờ sử dụng men vi sinh xử lý chuồng trại. Đây là chủng men được Tập đoàn Quế Lâm cung cấp cho các hộ chăn nuôi.
Ông Mai Văn Tuấn cho biết: “Gia đình tôi khi tham gia liên kết với Quế Lâm thì lợi nhuận đảm bảo ổn định bởi vì không chạy đua theo thị trường. Chúng tôi bán từ heo tới chất thải làm thành phân bón và ngay cả vỏ bao thức ăn chăn nuôi cũng được thu mua. Kinh tế như vậy rất tốt.”
Ruộng ngô của ông Nguyễn Hồng Bảnh ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng là một trong những hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết của Tập đoàn Quế Lâm. Ruộng ngô này sẽ được doanh nghiệp thu mua để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, phụ phẩm từ cây ngô cũng được thu mua để sản xuất phân bón hữu cơ.
Ông Nguyễn Hồng Bảnh tự tin khẳng định: “Hợp tác với Quế Lâm cho hiệu quả rất tốt. Làm mà mình ko lo đầu ra, ko lo bán…”
Các chuyên gia phân tích người nông dân như ông Bảnh, ông Tuấn được hưởng nhiều lợi ích khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất khép kín cùng với doanh nghiệp.
Theo bà Phạm Thị Vượng-Chủ tịch Hiệp hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam: “Người nông dân được rất nhiều thứ, người ta được cung cấp giống, vật tư đầu vào, lại được bán lợn rất ổn định. Hầu hết các hộ nông dân ở sát ngay cạnh chuồng nuôi nhưng không rác thải, ko chất thải, không có mùi hôi, làng xóm yên ấm, ko ai cãi nhau. Và chính quyền không phải giải quyền không phải giải quyết những mâu thuẫn, đây là mô hình đa hiệu quả cần nhân rộng.”
Cũng nhằm mục tiêu hỗ trợ hàng triệu hộ nông dân được tham gia vào chuỗi kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, ngày 18/7/2020 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Tập đoàn Quế Lâm đã phối hợp cùng Bộ NN&PTNT tổ chức Lễ ra mắt Dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F: Farm-Food-Feed-Fertilizer, gồm Nhà máy sản xuất các chế phẩm sinh học-Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ-Trang trại lợn an toàn sinh học-Nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm cho biết: “Người nông dân rồi đây họ sẽ có nơi, có chỗ để đến tham quan học hỏi nhằm mục đích thay đổi nhận thức. Ngoài ra đội ngũ cán bộ quản lý nông nghiệp cũng đến đây nghiên cứu để thay đổi nhận thức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp…”
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định nền kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu. Ở đó, nông nghiệp mới tận dụng được hết tài nguyên, tất cả sản phẩm của từng công đoạn đều có giá trị trong một chuỗi sản xuất. Và Tổ hợp 4F của Tập đoàn Quế Lâm chính là mô hình hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế toàn trong nông nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét: “Như vậy thông qua mô hình này chúng ta sẽ xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ một nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, không thứ gì bỏ đi và không ai bị bỏ rơi, ai cũng có việc của người đó, từ quy mô hộ nhỏ lẻ, từ hợp tác xã, từ doanh nghiệp tất cả đều có vai trò của mình trong một cơ cấu kinh tế tuần hoàn, một là đảm bảo yếu tố môi trường xanh nhất, hai là đảm bảo yếu tố kinh tế cao nhất, thứ ba là đảm bảo giá trị nhân văn tất cả người tham gia chuỗi đều có thu nhập tương thích với công sức mình bỏ ra, đó là mô hình phát triển bền vững trong nông nghiệp tới đây của chúng ta.”
Dự kiến năm 2021, tổ hợp 4F độc đáo, tiên tiến nhất, lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam sẽ đi vào hoạt động. Các nhà máy trong tổ hợp này sẽ tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt, từ cây trồng đến đất. Như vậy vừa tăng hiệu quả kinh tế, phòng ngừa dịch bệnh, vừa góp phần giữ gìn môi sinh môi trường trong lành và làm ra sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng./.