Khám phá nét tài hoa của người thợ gốm làng Thanh Hà

Nếu những làng gốm ở thời hiện tại chủ yếu chỉ sử dụng khuôn tạo gốm có sẵn thì người nghệ nhân ở làng gốm Thanh Hà vẫn giữ quy trình chuốt gốm truyền thống.
Khám phá nét tài hoa của người thợ gốm làng Thanh Hà ảnh 1Trải qua 5 thế kỷ, đến nay gốm Thanh Hà vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công và gần như độc nhất, đó là tạo hình bằng tay hoặc bàn xoay đạp chân, không dùng khuôn. Công đoạn chuốt đất (tạo hình sản phẩm) phải có hai người một người đứng 1 chân còn chân kia đạp bàn xoay trong khi đó 2 tay nhào đất. (Ảnh: Thế Đại/Vietnam+)

Ghé thăm làng gốm Thanh Hà trong chuyến du lịch Hội An, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy màn chuốt gốm độc đáo và ghi lại cho mình những bức ảnh đầy thú vị tại công viên đất nung của làng.

Làng gốm Thanh Hà mang vẻ ngoài đặc trưng cho một làng nghề cổ của Việt Nam. Phía bên ngoài là con đường lát gạch nung dẫn vào, hai bên là những hàng cây dại được vun đắp cho gọn gàng mang phong cách của làng quê xưa.

Làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, thuộc địa bàn phường Thanh Hà, cách khu phố cổ Hội An hơn 3km về hướng Tây.

Sử cũ kể rằng, đầu thế kỷ 16, các cư dân từ vùng Thanh Hóa di cư vào xứ Quảng mang theo nghề gốm dựng làng, xây lò, sản xuất những mặt hàng gốm gia dụng như nồi, bát, đĩa, ấm chén phục vụ cả một khu vực miền Trung Trung Bộ rộng lớn.

Vào thế kỷ 16, 17, Thanh Hà là một ngôi làng rất nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp các tỉnh miền Trung Việt Nam. Nghệ nhân có tay nghề cao của làng Thanh Hà cũng đã góp phần hình thành nên diện mạo kiến trúc một số công trình cung đình, các lăng tẩm, dinh thự của vua quan triều Nguyễn ở Huế.

Nghề gốm Thanh Hà được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019.

Nếu những làng gốm ở thời hiện tại chủ yếu chỉ sử dụng khuôn tạo gốm có sẵn thì người nghệ nhân ở làng gốm Thanh Hà vẫn giữ quy trình chuốt gốm truyền thống.

Đặc biệt, các sản phẩm gốm Thanh Hà không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống để tạo sản phẩm sau nung có nhiều sắc màu khác nhau như: vàng, đỏ, đỏ gạch, nâu, hồng, đen.

Gốm ở đây làm từ chính nguyên liệu là đất sét, lấy từ vùng ven của dòng sông Thu Bồn. Để cho ra một sản phẩm gốm đẹp, bền là cả một quá trình dài, yêu cầu sự tỉ mỉ.

[Tinh hoa gốm Việt: Đối thoại với các nghệ nhân ngày Xuân]

Đất sét sau khi được lấy về sẽ được nhào nặn thật kỹ, dùng kéo cắt xén đi, nhào nhuyễn rồi mới bắt đầu tạo hình gốm. Một người dùng bàn chân để đạn bàn xoay, người còn lại dùng tay chuốt thành hình gốm theo ý thích của mình.

Khám phá nét tài hoa của người thợ gốm làng Thanh Hà ảnh 2Các sản phẩm của làng gốm được lên thuyền đi khắp vùng xứ Quảng, Thừa Thiên, rồi lên cả tàu biển vượt đại dương đến Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha…(Ảnh: Thế Đại/Vietnam+)

Sau khi những chiếc gốm được tạo hình rồi sẽ được đem ra ngoài phơi nắng, đợi đến khi gốm bắt đầu se lại thì tạo hình hoa văn trang trí. Sau đó tiếp tục sẽ được phơi ngoài nắng cho đến khi thật khô, cuối cùng là đem vào lò để bắt đầu nung gốm.

Dù là công đoạn cuối cùng nhưng lại vô cùng quan trọng, đòi hỏi về độ nóng và thời gian để có thể tạo ra những mẻ gốm chất lượng nhất.

Sản phẩm chủ yếu của làng gốm Thanh Hà là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống… mang nhiều kiểu dáng, màu sắc rất phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của địa phương khác.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài dòng sản phẩm truyền thống, các xưởng gốm ở Thanh Hà còn nghiên cứu làm ra nhiều sản phẩm tượng gốm mỹ thuật nhằm phục vụ du khách cũng như nhu cầu trang trí trong xây dựng. Không chỉ tiêu thụ trong nước, nhiều sản phẩm của làng đã được xuất khẩu sang một số nước như Nhật, Đức, Anh, Pháp, Mỹ.

Khám phá nét tài hoa của người thợ gốm làng Thanh Hà ảnh 3Gốm Thanh Hà được nung hoàn toàn bằng lò củi truyền thống, ban đầu nhóm lửa khoảng 7-8 tiếng đồng hồ sau đó mới bắt đầu đốt thật lớn cho đến độ thì nghỉ lửa. (Ảnh: Thế Đại/Vietnam+)

Đến với làng nghề, ngoài việc được chứng kiến tài hoa trong nghệ thuật chế tác của các nghệ nhân, du khách còn được hướng dẫn để tự tay thực hiện các sản phẩm thủ công truyền thống tại đây.

Điểm nhấn đặc biệt nhất ở làng gốm Thanh Hà, phải kể đến khu trưng bày mô hình bằng gốm của các kỳ quan thế giới như Nhà hát Opera Sydney, Đền Taj Mahal (Ấn Độ), đấu trường La Mã (Italy) cùng những kiến trúc, di tích nổi tiếng của Việt Nam như Nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn), văn miếu Quốc Tử Giám, Lăng Bác. Tất cả đều được chế tác một cách đầy tinh tế và sáng tạo qua bàn tay của các nghệ nhân.

Bên cạnh chế tác các sản phẩm gốm, gạch, ngói âm dương, người dân làng gốm còn sáng tạo và lưu giữ một hệ thống kho tàng tri thức dân gian cũng như ngôn ngữ chuyên dụng nghề nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, tín ngưỡng của nghề gốm.

Thợ gốm đã phân loại các loại hũ sành bằng số học: hũ 6 (làm từ 6 con đất), hũ 5, hũ 4... hoặc dựa vào đặc điểm sử dụng của sản phẩm mà gọi tên như âu suốt (âu đựng suốt chỉ dệt vải).

Để phân biệt trạng thái sản phẩm, thợ gốm dựa vào màu sắc thể hiện trên da sành mà gọi tên, đơn cử là: chàm tố gạch (sản phẩm có màu xanh chàm, giữa trôn có vòng tròn màu đỏ lợt)...

Những giá trị này cung cấp nhiều thông tin phong phú về ngôn ngữ học, dân tộc và vẫn đang được gìn giữ, sử dụng hàng ngày và phát huy phù hợp trong các hoạt động du lịch tại làng gốm.

Có thể nói, làng gốm Thanh Hà chính là điểm dừng chân lý tưởng dành cho những du khách ưa thích khám phá ngành nghề truyền thống hay muốn tìm về tâm hồn nghệ thuật ẩn sâu trong mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục