Khám phá ngôi nhà truyền thống của người dân tộc Êđê và Bana

Khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có 10 công trình kiến trúc dân gian, trong đó nhà dài của dân tộc Êđê và nhà rông của dân tộc Bana là hai công trình tiêu biểu hàng đầu.
Người dân Kon Tum múa mừng khánh thành nhà rông. (Ảnh minh họa: Cao Nguyên/TTXVN)

Ngày 23/4, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức giao lưu với các nghệ nhân dân tộc Êđê và Bana nhằm tạo cơ hội cho công chúng có cơ hội tìm hiểu về những nét văn hóa và ngôi nhà truyền thống của người Êđê, Bana hiện nay.

Khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có 10 công trình kiến trúc dân gian, trong đó nhà dài của dân tộc Êđê và nhà rông của dân tộc Bana là hai công trình tiêu biểu hàng đầu với những đặc điểm kiến trúc nguyên bản.

Ngôi nhà dài Êđê được khánh thành năm 2000 và nhà rông Bana khánh thành năm 2003.

Qua quá trình phục vụ khách tham quan, ngôi nhà đã bắt đầu xuống cấp. Để công chúng tiếp tục có cơ hội khám phá về văn hóa của người Êđê và Bana thông qua các công trình văn hóa này, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tiến hành tu sửa một số hạng mục.

Nhà dài Ê đê và nhà rông Bana tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là hai mô hình nhà truyền thống được phục dựng hoàn toàn theo nguyên gốc, bởi vậy nó gợi lại kỷ niệm và ký ức cho rất nhiều người con Tây Nguyên.

Anh Y Viên, nghệ nhân Êđê chia sẻ: “Hiện nay ở làng tôi không còn ngôi nhà dài nào được như thế này nữa, các ngôi nhà đã thay đổi nhiều, được lợp mái tôn, đóng ximăng... khác ngày xưa. Vì thế, nhìn thấy nhà dài Êđê ở Hà Nội, được tham gia sửa chữa ngôi nhà tôi rất xúc động, rất vui. Sau này con cháu chúng tôi có thể ra Hà Nội và ngắm nhìn ngôi nhà của cha ông."

Không chỉ được gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân của hai dân tộc (10 nghệ nhân Êđê và 4 nghệ nhân Bana), khách tham quan còn được trao đổi với tiến sỹ dân tộc học Lưu Hùng, người đã trực tiếp tham gia tìm mẫu và phục dựng hai ngôi nhà truyền thống này tại Hà Nội. Những câu chuyện về công việc nghiên cứu và trải nghiệm thực tế của tiến sỹ Lưu Hùng thu hút sự chú ý và gợi cảm hứng cho rất nhiều du khách.

Bên cạnh đó, công chúng còn được chứng kiến lễ cúng cầu sức khỏe cho chủ nhà (Wăt pô sang) của người Êđê.

Kết thúc lễ cúng, mọi người cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống, uống rượu cần và tham gia vào các hoạt động trình diễn văn nghệ phong phú, đa dạng như thổi Đing năm, hát Aray, đánh cồng chiêng...

Theo Ban tổ chức, buổi giao lưu với các nghệ nhân Êđê và Bana về kiến trúc nhà truyền thống là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống. Đây còn là cơ hội để giới thiệu và truyền bá những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc đến với bạn bè trong nước và du khách quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục