Khám phá Tết cổ truyền Việt Nam qua tài liệu lưu trữ từ thời Nguyễn

Những tài liệu, hình ảnh của triển lãm sẽ giúp công chúng tìm lại được những nét đẹp của Tết xưa. Đây cũng là nguồn sử liệu tin cậy phục vụ nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống.
Triển lãm thu hút người nước ngoài đến tham quan tìm hiểu về truyền thống Tết Việt. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chào đón Xuân Nhâm Dần 2022, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức triển lãm “Tết xưa” nhằm tái hiện một phần không gian Tết cổ truyền Việt Nam qua tài liệu lưu trữ từ thời Nguyễn đến cuối thế kỷ 20.

Là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của người Việt đồng thời cũng là thời khắc được mong đợi nhất trong năm, Tết Nguyên đán không chỉ đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn chứa đựng những phong tục, tín ngưỡng mang đậm cốt cách, tinh thần dân tộc. Du Xuân, chơi Tết đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam với những thông điệp nhân văn sâu sắc.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết triển lãm cùng các sự kiện sẽ phác họa một phần không khí Tết xưa với phong tục “ăn Tết,” “lễ Tết” và “chơi Tết” của cha ông.

“Mặc dù ngày nay, các phong tục trong dịp Tết có nhiều đổi thay nhưng Tết Nguyên đán vẫn giữ được hồn cốt riêng, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất của cả dân tộc. Mỗi mùa Xuân về, Tết đến là mỗi lần truyền thống được khơi dậy để tôn vinh và lưu giữ những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho thế hệ mai sau,” ông Tùng nhấn mạnh.

Nội dung triển lãm được chia thành 3 chủ đề: Phiên chợ ngày Xuân, Cung chúc Tân Xuân và Du Xuân. Đáng chú ý, người xem cũng có thể thấy phảng phất không khí mừng Xuân tại cung đình triều Nguyễn qua tư liệu châu bản.

Ban tổ chức hy vọng những tài liệu, hình ảnh của triển lãm sẽ giúp công chúng tìm lại được những nét đẹp của Tết xưa. Đây cũng là nguồn sử liệu tin cậy phục vụ nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Lần đầu tiên tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, nhiều hoạt động tương tác lý thú của phiên chợ ngày Xuân được tổ chức song song cùng với việc trưng bày hơn 100 phiên bản tài liệu, hình ảnh thú vị, độc đáo, hiếm có, giúp người xem có cơ hội trải nghiệm, hoài niệm về ngày Tết đậm đà bản sắc dân tộc.

Dịch giả, họa sỹ Trịnh Lữ xúc động khi tham quan triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tham quan triển lãm, dịch giả-họa sỹ Trịnh Lữ bày tỏ sự xúc động khi được thấy lại những nghi lễ, phong tục, tập quán vào dịp Tết Nguyên đán nhiều năm về trước. Ông đã có 20 năm sống ở nước ngoài nên đối với cá nhân ông, triển lãm này hết sức có ý nghĩa.

[Tết xưa hấp dẫn, lạ lùng qua góc nhìn của các học giả Pháp-Việt]

“Những phong tục, lễ nghi ngày Tết luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam mà dù đi xa đến đâu người Việt vẫn luôn ghi nhớ,” ông tâm sự.

Ông còn nhớ một buổi sáng mùng 1 Tết, bố mẹ gọi dậy sớm, giục mặc quần áo đẹp rồi cả nhà lên chùa Quán Sứ, chụp một bức ảnh kỷ niệm. Bức ảnh đó ông đã hiến tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I để trưng bày trong triển lãm này.

Với ông Ngô Thiếu Hiệu, nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, triển lãm này giới thiệu đến công chúng một không khí ngày Tết đậm chất truyền thống qua khối tài liệu lưu trữ đa dạng về thể loại như hình ảnh, châu bản, văn bản, báo chí, tranh vẽ…

“Triển lãm được trình bày với hình thức văn minh, dễ hiểu, nội dung hấp dẫn, đặc biệt có ích đối với giới trẻ. Các bạn sẽ hiểu được những lễ nghi, phong tục Tết xưa mà ngày nay không còn phổ biến nữa như dựng cây nêu, rắc vôi bột hay vẽ hình cung tên trước sân nhà,” ông nói.

Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 14/1 đến ngày 15/3 năm 2022 tại Khu Trưng bày Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội./.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Sắc màu tranh dân gian ngày Tết. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Không gian trưng bày trở thành điểm check-in của khách tham quan. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hội chơi đu ngày Xuân. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phong tục cho chữ ngày Xuân. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục