Từ những bóng người ẩn núp trong những khu rừng cổ xưa đến những bóng ma ám ảnh những giấc mơ nửa đêm, phù thủy từ lâu đã “quyến rũ” trí tưởng tượng của con người.
Theo National Geographic, mặc dù các mô tả hiện đại thường coi phù thủy là những nhân vật lôi cuốn, nhưng những phù thủy trong quá khứ từng mang đến những nỗi sợ hãi và lo lắng thực sự trên khắp các nền văn hóa.
Khám phá câu chuyện về năm phù thủy có truyền thuyết rùng rợn, cho thấy nỗi sợ hãi và niềm tin sâu sắc của các xã hội đã tạo ra những thần thoại này.
Yamauba - bà già núi gian xảo
Sống ở vùng núi xa xôi ở Đông Bắc Nhật Bản, Yamauba đầu tiên xuất hiện như một bà già yếu ớt nhưng có thể đột ngột biến thành một nhân vật ác mộng với cặp sừng, mái tóc giống rắn và một cái miệng thứ hai trên đầu - dùng để nuốt chửng con mồi.
Một số truyền thuyết thậm chí còn khẳng định bà ta có thể làm chệch hướng đạn và tạo ra bóng tối. Nhưng điều khiến câu chuyện về phù thủy này thực sự đáng lo ngại là nguồn gốc của huyền thoại.
Nyri A. Bakkalian, một tiểu thuyết gia và nhà sử học chuyên về vùng Tohoku của Nhật Bản, cho biết huyền thoại Yamauba có thể bắt nguồn từ các tập tục lịch sử về việc hiến tế những người dân làng lớn tuổi trong nạn đói.
Bà cho biết: "Ở những nơi như vùng nông thôn Tohoku, nơi mất mùa vào đầu thời kỳ hiện đại là chuyện thường thấy. Những câu chuyện về những linh hồn giận dữ có thể là phản ứng trước việc những người phụ nữ lớn tuổi bị dẫn vào rừng để chết."
Phù thủy biến đổi da - bậc thầy tinh quái xảo quyệt
Trong các cộng đồng người Mỹ gốc Phi, chẳng hạn như Gullah Geechee ở Carolinas, có những câu chuyện về những người bị “cưỡi” bởi các thế lực độc ác.
Trong số những nhân vật đáng sợ nhất là phù thủy biến đổi da, nổi tiếng với việc lột da và chui qua những lỗ nhỏ như lỗ khóa để xâm nhập vào nhà và buộc mọi người làm điều sai trái.
Vào những năm 1950, người kể chuyện Mississippi James Douglas Suggs đã chia sẻ một câu chuyện như vậy với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Richard Dorson, hiện được lưu trữ tại Trung tâm Văn hóa Dân gian Mỹ tại Thư viện Quốc hội ở Washington, D.C.
Mặc dù có sức mạnh đáng sợ, câu chuyện thường có một chút hài hước. Trong phiên bản của Suggs, một người đàn ông đã đánh bại mụ phù thủy bằng cách rắc muối và hạt tiêu lên da của mụ, khiến mụ phải kêu lên "Này da, ngươi không biết ta sao?!"
Chedipe - phù thủy ma cà rồng của Ấn Độ
Truyền thuyết kể rằng khi Chedipe, một phù thủy đáng sợ từ vùng sông Godavari của Ấn Độ, bước vào một ngôi nhà, trước tiên mụ sẽ khiến mọi người bên trong bất tỉnh. Khi họ bất lực, mụ sẽ tìm những cách kinh hoàng nhất để hành hạ họ.
Chiêu trò của mụ bao gồm rút máu từ ngón chân, xé lưỡi hoặc cắm những que củi đang cháy có ngọn lửa huyền bí vào dưới da họ.
Phù thủy Ấn Độ cũng có thể quan hệ tình dục với những người đàn ông đã kết hôn đang ngủ trong nhà, gieo rắc mầm mống tâm linh ngờ vực vào tâm trí những người vợ của họ.
Devendra Varma, một nhà nghiên cứu văn học Gothic thế kỷ 20, cho biết những câu chuyện về Chedipe có thể đã “du hành” đến châu Âu qua Con đường Tơ lụa và truyền cảm hứng cho những mô tả về ma cà rồng như những sinh vật tình dục như trong “The Vampyre” của John William Polidori hoặc Dracula của “Bram Stoker.”
La Lechuza - phù thủy cú đáng sợ
Ở miền Bắc Mexico, La Lechuza-“The Owl” là một phù thủy biến thành một con cú khổng lồ, đôi khi mang khuôn mặt người.
Những câu chuyện về nguồn gốc của mụ rất khác nhau: Mụ có thể đã lập giao ước với thế lực ma quỷ hoặc sử dụng phép thuật để nhập vào một con chim khổng lồ, khai thác sức mạnh của nó để điều khiển thời tiết.
Bất kể nguồn gốc nào, La Lechuza nổi tiếng là kẻ săn mồi những người đàn ông say xỉn vào ban đêm. Người ta nói rằng mụ sẽ mang họ về tổ của mình để tổ chức một bữa tiệc khủng khiếp hoặc giết chết họ ngay lập tức bằng một cú chạm của những chiếc lông bị nguyền rủa của mình.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phụ nữ và những người đồng tính bắt đầu lấy lại hình ảnh La Lechuza như một biểu tượng của sức mạnh.
Baba Yaga - phù thủy canh gác sự sống và cái chết của người Slavơ
Baba Yaga là một nhân vật đáng gờm nắm giữ quyền lực đối với sự sống và cái chết trong văn hóa dân gian Slav. Trong một số câu chuyện, mụ đại diện cho mùa Đông và kết thúc mùa gặt, hiện thân cho sự mục nát và biến đổi không thể tránh khỏi. Trong những câu chuyện khác, mụ giám sát ranh giới giữa người sống và người chết.
Tuy nhiên, Baba Yaga không chỉ là một nhân vật đáng sợ. Tùy thuộc vào cách tiếp cận, mũ có thể đưa ra lời khuyên hoặc sự trợ giúp diệu kỳ.
Thường được miêu tả với hàm răng sắt, một chân xương xẩu và bị mù một phần, mụ phù thủy cổ đại này sống trong một túp lều đứng trên chân gà, trông giống như một chiếc quan tài và được trang trí bằng xương người.
Một số cách giải thích cho rằng thiết kế của túp lều, cùng với chân gà, đại diện cho mối liên hệ cổ xưa với thiên nhiên và những khía cạnh hoang dã, chưa thuần hóa - theo GennaRose Nethercott, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và tác giả của tiểu thuyết “Thistlefoot” về Baba Yaga.
“Baba Yaga cũng là sự trở về với thiên nhiên,” hiện thân của một sức mạnh vỹ đại cho phép chúng ta khám phá một thế giới đầy cảm hứng vượt ra ngoài thế giới của chúng ta “thông qua bức màn an toàn của trí tưởng tượng” - Nethercott nói./.
Bi kịch của đảo Delos - nơi lưu giữ những tàn tích Hy Lạp và La Mã cổ đại
Mối đe dọa lớn nhất đối với di sản thế giới Delos là hiện tượng xâm nhập mặn khi nước biển xâm nhập bào mòn nền móng của các công trình cổ đại, khiến chúng sụp đổ dần.