Khán giả Thành phố Hồ Chí Minh nức lòng với Hò dô 2019

Các nghệ sỹ không chỉ biểu diễn bằng các nhạc cụ hiện đại kết hợp với nhạc cụ dân tộc mà còn biểu diễn bằng cả tâm hồn, sự trân trọng khán giả tạo ra sức hút, lôi cuốn người xem.
Quang cảnh đêm diễn bế mạc lễ hội. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Quang cảnh đêm diễn bế mạc lễ hội. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tối 15/12, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - Hò dô 2019 (HOZO - Ho Chi Minh City International Music Festival 2019) do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã kết thúc với sự hài lòng của đông đảo khán giả, du khách.

Trong ngày diễn cuối cùng của lễ hội, Ban tổ chức đã lựa chọn một chương trình diễn với nhiều âm thanh tươi vui, mạnh mẽ pha trộn với những làn điệu dân tộc trên nền nhạc hiện đại.

Phần trình diễn của Cá Hồi Hoang, Ricky and The World Ensemble, SG048, Wildrunner, The Cosmopolitant Urbane, Asia Music Ensemble Project, Nguyên Lê Band cùng Trần Mạnh Tuấn và Hà Trần.

Khán giả Thành phố Hồ Chí Minh nức lòng với Hò dô 2019 ảnh 1Tiết mục biểu diễn của nhóm Asia Music Ensemble Project. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo nhiều khán giả, phần trình diễn mở màn của Asia Music Ensemble Project được đánh giá cao khi kết hợp rất nhẹ nhàng, day dứt giữa làn điệu nhạc truyền thống hò, lý của người Việt kết hợp với các âm thanh, tiết tấu của thời hiện đại.

Tham gia đêm bế mạc, bạn Võ Trường An, sinh viên năm thứ 3, ngành Việt Nam học, Trường Đai học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng những tiết mục này nghe vừa quen vừa lạ, nhưng cũng đặc sắc và đầy sáng tạo dưới bàn tay điêu luyện của các nghệ sỹ hòa tấu của dàn nhạc.

[Gìn giữ, lan tỏa giá trị của âm nhạc, văn hóa dân tộc ra thế giới]

Theo Trường An, các nghệ sỹ không chỉ biểu diễn bằng các nhạc cụ hiện đại kết hợp với nhạc cụ dân tộc mà còn biểu diễn bằng cả tâm hồn, trân trọng sự ngưỡng mộ của khán giả nên tạo ra sức hút, lôi cuốn người xem.

Tiết mục thứ hai, nhóm Wildrunner mang đến cho khán giả một không khí rộn rã, sôi động, mạnh mẽ của rock.

Đông đảo khán giả trẻ, nam, nữ, trong nước và du khách quốc tế đã dừng lại để lắc lư theo nhịp điệu của Wildrunner. Đặc biệt, khu vực sát sân khấu, nhiều khán giả đã “tỏa nhiệt” nhún nhảy, hò reo theo màn trình diễn của các nghệ sỹ; bật đèn chiếu sáng của chiếc điện thoại thông minh để cổ vũ và tận hưởng những cung bậc tột cùng của những cảm xúc khác nhau...

Khán giả Thành phố Hồ Chí Minh nức lòng với Hò dô 2019 ảnh 2Tiết mục biểu diễn rock của nhóm Wildrunner. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nhiều khán giả trẻ cho rằng, đây là dịp để trải nghiệm văn hóa - nghệ thuật hoàn toàn khác lạ và mới mẻ so với những sự kiện biểu diễn âm nhạc trước đây.

Anh Dương Thành Ngọc cùng các bạn đến từ Quảng Ninh chia sẻ: “Lễ hội âm nhạc ngoài đường phố này chắc chắn được đầu tư rất lớn, chương trình không chỉ mới lạ, hay, mà khán giả còn hài lòng bởi một sân khấu mở hiện đại, kỹ thuật âm thanh ánh sáng tốt; đồng thời cảm nhận được sự gần gũi với các nghệ sỹ, ca sỹ đang cháy hết mình trên sân khấu.”

Ba ngày diễn ra lễ hội âm nhạc, khán giả tham dự được thưởng thức đa dạng về thể loại âm nhạc từ World Music tới Jazz, Pop đến âm nhạc truyền thống với chất lượng nghệ thuật cao.

Lễ hội bao gồm các nghệ sỹ và ban nhạc đến từ Pháp, Bỉ, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Australia, Hy Lạp, Tây Ban Nha (gốc Cuba), Ấn Độ, Mông Cổ và Việt Nam.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội âm nhạc là nơi người dân tiếp xúc, mở rộng biên độ thưởng thức, thẩm mỹ; là dịp để giới làm nghề thể hiện những tìm tòi đầu tư nghiên cứu, giới thiệu với công chúng những trải nghiệm mới.

Lễ hội Âm nhạc - Hò dô 2019 là sự kiện khởi đầu cho sáng kiến tổ chức Lễ hội Âm nhạc Quốc tế dự kiến sẽ tổ chức thường niên.

Hoạt động này cũng góp phần thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của thành phố đến năm 2020 – 2030 và mang đậm tính đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.