Ngày 1/3, tại Hà Nội, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội nghị lập kế hoạch lần cuối cho Diễn tập thực địa cuối kỳ Nhóm chuyên gia Gìn giữ Hòa bình Chu kỳ 4 (2021-2023) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Đồng chủ trì Hội nghị có Đại tá Nguyễn Như Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Trưởng nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình Việt Nam và bà Matsuzawa Tomoko, Giám đốc Hợp tác Quốc phòng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Trưởng Nhóm chuyên gia Gìn giữ Hòa bình Nhật Bản.
Tại Hội nghị, đại biểu các nước đã thảo luận, đi đến thống nhất các nội dung chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến việc lập kế hoạch lần cuối và tham quan địa điểm tổ chức Diễn tập cuối kỳ Nhóm chuyên gia Gìn giữ Hòa bình Chu kỳ 4 (2021-2023) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2023 tại Việt Nam.
Việc chủ động phối hợp với Nhật Bản đồng chủ trì Nhóm chuyên gia Gìn giữ Hòa bình Chu kỳ 4 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng tiếp tục khẳng định vai trò, uy tín, vị thế và đóng góp của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác đa phương về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong khu vực, góp phần tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ADMM+.
[Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Việt Nam với đóng góp đối ngoại nhân dân]
Các hoạt động dịp này cũng góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương nói chung và hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình nói riêng giữa Việt Nam-Nhật Bản.
Ngày 15/9/2015, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đặt nền móng cho việc thúc đẩy, mở rộng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này. Nhật Bản là một thành viên tích cực, tham gia từ sớm và có nhiều đóng góp về tài chính cũng như nhân sự cho các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, chủ yếu dưới dạng hỗ trợ hậu cần, bảo đảm.
Năm 1992, lần đầu tiên Nhật Bản tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc bằng việc cử Đơn vị Công binh tới Campuchia. Nhật Bản đặc biệt có thế mạnh, nhiều kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực Công binh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đến nay, Nhật Bản đã từng triển khai Đơn vị Công binh tới phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Campuchia, cao nguyên Golan, Timor-Leste, Haiti và gần đây nhất, từ năm 2011-2017 là tại Nam Sudan.
Nhật Bản là quốc gia đứng thứ ba về đóng góp tài chính cho các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hiện nay, tuy không triển khai lực lượng theo hình thức đơn vị, nhưng Nhật Bản vẫn là một đối tác tích cực, hiệu quả trong Chương trình Đối tác ba bên (do Cục Hỗ trợ thực địa, Liên hợp quốc chủ trì, Nhật Bản là quốc gia tài trợ chính) dưới hình thức tài trợ tổ chức huấn luyện, trang thiết bị, nâng cao năng lực gìn giữ hòa bình cho quốc gia thứ ba.
Đặc biệt, Nhật Bản và Việt Nam đã hợp tác rất thành công trong tổ chức hai Khóa huấn luyện vận hành trang bị công binh hạng nặng trong khuôn khổ chương trình đối tác ba bên (TPP) năm 2019 và 2020./.