Khẳng định vai trò Thừa phát lại trong hoạt động bổ trợ tư pháp

Tính đến 31/10 vừa qua, chế định Thừa phát lại đã được thí điểm tại 13 địa phương trong cả nước với 51 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập.
Khẳng định vai trò Thừa phát lại trong hoạt động bổ trợ tư pháp ảnh 1Lập vi bằng tại Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình, TPHCM. (Nguồn; thuaphatlaithuduc)

Thí điểm chế định Thừa phát lại là một giải pháp nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó quy định việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại.

Để triển khai thực hiện, Bộ Tư pháp đã phối hợp với một số bộ, ngành liên quan, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức thí điểm chế định này tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc thực hiện thí điểm bước đầu đã thu được kết quả đáng khích lệ, được Quốc hội, Chính phủ đánh giá tốt, được người dân đón nhận tích cực.

Ngày 23/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Theo đó, việc thí điểm được tiếp tục đến 31/12/2015 và mở rộng trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.”

Triển khai thực hiện Đề án, trên cơ sở đăng ký của các địa phương, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Tài chính lựa chọn 12 địa phương mở rộng thí điểm (gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long).

Việc lựa chọn các địa phương mở rộng thí điểm đã đáp ứng yêu cầu của Đề án về số lượng địa phương tham gia, có tính đại diện cho các vùng, miền có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau. Các địa phương được lựa chọn đã xây dựng Đề án, trình Bộ Tư pháp phê duyệt làm cơ sở thực hiện.

Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và một số công việc khác. Tính đến ngày 31/10 vừa qua, thực hiện Nghị quyết số 36 của Quốc hội, chế định Thừa phát lại đã được thí điểm tại 13 địa phương trong cả nước với 51 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập.

Hoạt động các Văn phòng Thừa phát lại đã thu được kết quả khá tốt, với doanh thu đạt hơn 63,325 tỷ đồng. Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp.

Việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại đã đưa chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống. Đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại đã giúp người dân thực hiện quyền công dân trong việc lựa chọn và yêu cầu một số dịch vụ pháp lý như yêu cầu thi hành án, lập vi bằng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đồng thời, không làm xáo trộn hoạt động của các cơ quan tư pháp mà hỗ trợ tích cực, phối hợp nhịp nhàng, là một minh chứng về chủ trương đúng đắn của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính.

Trong hoạt động, các Văn phòng Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ổn định về tổ chức và hoạt động, kết quả hoạt động khá tốt, có những lĩnh vực đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực trong xã hội. Cụ thể trong lĩnh vực lập vi bằng, đã được người dân, xã hội đánh giá cao; nhiều vi bằng đã được sử dụng để làm căn cứ trong xét xử và thực hiện các giao dịch, kể cả trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Những hiệu quả tích cực đó đã góp phần bổ trợ cho hoạt động tư pháp và đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội về một loại hình dịch vụ pháp lý mới; bước đầu khẳng định được một nghề. Đối với các địa phương mở rộng thí điểm, các Văn phòng Thừa phát lại cơ bản đã được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, từng bước đi vào hoạt động, trên một số mặt đã thu được kết quả nhất định.

Hiểu biết của người dân và xã hội về Thừa phát lại còn hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đánh giá việc thực hiện thí điểm mặc dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng nhận thức của một số cơ quan, cán bộ, công chức, kể cả ở Trung ương về việc thí điểm chế định Thừa phát lại vẫn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu về việc thực hiện một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong đó, một số cơ quan thi hành án dân sự chưa thực sự tích cực phối hợp, hỗ trợ các Văn phòng Thừa phát lại.

Công tác triển khai còn chậm, thể hiện ở một số công việc như xây dựng thể chế; lựa chọn địa phương thí điểm; thành lập, đăng ký hoạt động và đưa các Văn phòng Thừa phát lại vào hoạt động. Công tác tuyên truyền cả ở Trung ương và địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu nên hiểu biết của người dân và xã hội về Thừa phát lại còn hạn chế. Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại. Việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời, chưa thực sự quyết liệt, chưa hiệu quả.

Một số địa phương tổ chức triển khai thực hiện chưa đạt với yêu cầu, hiệu quả chưa cao như chưa thành lập đủ số lượng Văn phòng Thừa phát lại theo Đề án được phê duyệt (12 địa phương mở rộng thí điểm mới thành lập được 39 Văn phòng, trong đó có địa phương mới thành lập 1 Văn phòng như Nghệ An, Bình Định).

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù việc triển khai đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng cũng bắt đầu bộc lộ một số tồn tại, như việc kiểm tra, nắm tình hình trong hoạt động Thừa phát lại chưa được thực hiện thường xuyên dẫn đến một số Văn phòng Thừa phát lại đã có sai sót, vi phạm trong hoạt động chưa được phát hiện kịp thời để chấn chỉnh.

Ở Trung ương, việc phối hợp trong công tác xây dựng thể chế, thống nhất hướng dẫn địa phương còn chậm, có lúc chưa thật sự hiệu quả. Tại một số địa phương, việc phối hợp của các cơ quan tư pháp trong việc phân định địa hạt tống đạt văn bản của Thừa phát lại còn chậm, chưa chủ động; công tác phối hợp của các cơ quan trong giải quyết vướng mắc chưa hiệu quả, chưa tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại.

Các Văn phòng Thừa phát lại tại 12 địa phương mở rộng thí điểm chậm ổn định tổ chức, bố trí, sắp xếp nhân lực và các nguồn lực khác để thực hiện tốt các công việc; chậm đi vào hoạt động, hiệu quả chưa cao, kết quả hoạt động chưa đồng đều giữa các mặt, đặc biệt là việc thiếu chủ động trong triển khai thực hiện tống đạt văn bản của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự...

Về tống đạt văn bản, đến thời điểm 31/10 vừa qua, các Văn phòng Thừa phát lại tại các địa phương mở rộng thí điểm mới tống đạt được gần 25.787 văn bản. Trong đó nhiều Văn phòng Thừa phát lại số lượng văn bản tống đạt hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, như một số Văn phòng Thừa phát lại ở Bình Dương, Thanh Hóa... Hầu hết các Văn phòng Thừa phát lại đã triển khai thực hiện và lập được 1.729 vi bằng. Tuy nhiên qua công tác kiểm tra, khảo sát cho thấy, nhiều vi bằng cũng không đạt yêu cầu (Đồng Nai, Bình Dương...).

Về xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án, mặc dù đặc điểm nhân sự làm Thừa phát lại là những người có kinh nghiệm trong hoạt động tố tụng nhưng công tác xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án của các Văn phòng Thừa phát lại còn hạn chế (mới tổ chức xác minh được 234 vụ); một số Văn phòng đạt kết quả rất thấp như Văn phòng Thừa phát lại Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Văn phòng Thừa phát lại Uông Bí (Quảng Ninh); Văn phòng Thừa phát lại Long Xuyên (An Giang)... Hạn chế này không chỉ do những nguyên nhân khách quan là sự lựa chọn của người dân, mà còn do một số cơ quan thi hành án chưa thực sự phối hợp, hỗ trợ các Văn phòng Thừa phát lại.

Đội ngũ Thừa phát lại tại các địa phương mở rộng thí điểm còn mỏng, nhiều Văn phòng chỉ có một Thừa phát lại nên rất khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ; năng lực, trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế. Năng lực của một số Văn phòng Thừa phát lại còn hạn chế cả về tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, do đó làm nảy sinh tâm lý e ngại từ phía các cơ quan Tòa án, Thi hành án khi giao văn bản để tống đạt.

Việc triển khai thí điểm được thực hiện ở những địa phương có diện tích rộng, nhiều đơn vị hành chính, nhất là các huyện thuộc khu vực miền núi cách xa trung tâm, đi lại khó khăn, trong khi đó các Văn phòng Thừa phát lại chưa đủ khả năng thực hiện được toàn diện các mảng công việc, nhất là trong lĩnh vực thi hành án dân sự...

Đẩy mạnh hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại

Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại hiệu quả hơn, Ban chỉ đạo thí điểm chế định Thừa phát lại đề xuất tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Thừa phát lại để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ trong việc triển khai thực hiện thí điểm; hiểu biết và tiếp cận của người dân đối với dịch vụ này.

Các bộ, ngành Trung ương có liên quan cần tăng cường quản lý Nhà nước về Thừa phát lại để kịp thời nắm bắt tình hình, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của Thừa phát lại; tập trung quyết liệt vào việc chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương nhằm đẩy mạnh kết quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại như những vướng mắc về trình tự, thủ tục tống đạt văn bản của Tòa án, trong xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức cưỡng chế thi hành án của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và Nghị định số 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ…

Đồng thời, các bộ, ngành cũng cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ; năng lực quản lý, điều hành của các Văn phòng Thừa phát lại và công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát hoạt động Thừa phát lại.

Mặt khác, các Văn phòng Thừa phát lại cần chủ động, nỗ lực hơn nữa, tự khắc phục khó khăn, đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là trong hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án, đây là một trong những yếu tố quan trọng cho việc thí điểm thành công.

Các Văn phòng Thừa phát lại xác định mục tiêu không chỉ là doanh thu của doanh nghiệp mà Thừa phát lại là người được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để thực hiện một số công việc theo quy định.

Từ đó, xây dựng hình ảnh Thừa phát lại chuẩn mực trong xã hội, với ý nghĩa thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội; đồng thời cũng xác định đây còn là cơ hội để mở ra một nghề mới phục vụ xã hội, tổ chức, công dân.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục