Khánh thành Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản tại Cần Thơ

Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản tọa lạc tại phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn khu công nghiệp xanh.
Khánh thành Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản tại Cần Thơ ảnh 1Cắt băng khánh thành Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Ngày 3/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ khánh thành Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản có diện tích 30ha giai đoạn 1.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

Tọa lạc tại phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ và nằm trong quy hoạch Trung tâm logistic hạng 2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đây là khu công nghiệp hiện đại với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn khu công nghiệp xanh. Các ngành nghề được ưu tiên khuyến khích sản xuất kinh doanh như điện, điện tử, tin học, cơ khí, dược phẩm...

[Báo Nhật Bản đánh giá lạc quan về triển vọng hợp tác với Việt Nam]

Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ - cho biết Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản nằm ở vị trí thuận lợi, cách trung tâm hành chính 5km và sân bay quốc tế Cần Thơ khoảng 15km. Tại đây có hai cảng quốc tế phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu là cảng Cái Cui và Tân Cảng đáp ứng được tàu có tải trọng 20.000 tấn; đồng thời liên kết Cần Thơ với các khu công nghiệp của tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng.

Thành phố Cần Thơ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản để sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. Trước mắt, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Cần Thơ đã xây dựng 30 căn hộ đạt tiêu chuẩn nhằm đáp ứng điều kiện sinh hoạt cho các doanh nghiệp Nhật Bản sinh sống và làm việc.

Khánh thành Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản tại Cần Thơ ảnh 2Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống phát biểu tại lễ khánh thành. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Trao đổi với báo chí bên lề sự kiện, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết ngày 2/11, Chủ tịch nước đã chính thức trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); trong đó, Nhật Bản và Việt Nam là hai quốc gia đóng vai trò hết sức quan trọng.

Trong bối cảnh đó, việc khai trương Khu công nghiệp này là cột mốc đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản với Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Tiềm năng hợp tác của Nhật Bản vào khu vực này rất lớn - ông Lộc nhận định.

Nhật Bản đang có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Trong các nước Đông Nam Á thì Việt Nam đang được lựa chọn là điểm đến có triển vọng và Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nơi được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm bởi thế mạnh về đất đai, lao động, thị trường.

Chủ tịch VCCI cho rằng Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự chuẩn bị tích cực cho việc đón đầu tư Nhật Bản trong nhiều năm nay thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế được tổ chức hàng năm. Điều này tạo ra tín hiệu đáng mừng khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến khu vực này.

Theo báo cáo của VCCI chi nhánh Cần Thơ, tính đến tháng 10/2018, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút được 169 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản với tổng vốn đăng ký tương đương trên 2,2 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn FDI toàn vùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.