Khánh thành trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà

Dự án TBA 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà-Lao Bảo có tổng mức đầu tư hơn 876 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư xây dựng và các nguồn vốn khác do EVNNPT huy động và phân bổ theo kế hoạch.
Khánh thành trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà ảnh 1Đường dây 220kV Đông Hà – Lao Bảo. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Ngày 16/10, tại trạm biến áp 220kV Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) khánh thành công trình trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà-Lao Bảo.

Dự án TBA 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà-Lao Bảo có tổng mức đầu tư hơn 876 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư xây dựng và các nguồn vốn khác do EVNNPT huy động và phân bổ theo kế hoạch. Dự án được EVN giao cho EVNNPT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) thay mặt EVNNPT quản lý, điều hành dự án.

Cụ thể, dự án đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo có quy mô xây dựng mới đường dây 220kV mạch kép dài khoảng 47,3 km với 124 vị trí cột, đi qua các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, ĐaKrông, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Điểm đầu là cột cổng 220kV tại TBA 220kV Đông Hà, điểm cuối, cột cổng 220kV tại TBA 220kV Lao Bảo. Công trình được khởi công ngày 19/6/2019 và hoàn thành đóng điện ngày 01/10/2021.

Trạm biến áp 220kV Lao Bảo (xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa) có quy mô xây dựng mới trạm biến áp 220/110/22kV với quy mô 2 máy biến áp, công suất 500 MVA và mở rộng 2 ngăn xuất tuyến 220kV tại TBA 220kV Đông Hà. Công trình đã được hoàn thành đóng điện ngày 13/9/2021.

Đây là công trình điện cấp bách trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia nhằm mục tiêu đảm bảo truyền tải hết công suất tại các nhà máy điện gió phía Tây tỉnh Quảng Trị và các thủy điện nhỏ trong khu vực lên hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cung cấp điện an toàn và tin cậy cho phụ tải các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cảm ơn Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cùng các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư trong bồi thường giải phóng mặt bằng, đáp ứng mục tiêu tiến độ dự án; đảm bảo đủ quỹ đất cho thực hiện dự án.

Theo ông Trần Đình Nhân, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, ĐaKrông, Hướng Hóa phối hợp hoàn thành các thủ tục bàn giao chi tiết tuyến, đẩy mạnh tuyên truyền người dân, không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây đã thỏa thuận; phê duyệt đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng. Cùng với đó đã tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị thi công liên quan đến đền bù phục vụ thi công; cho phép các đơn vị thi công sử dụng đường liên thôn, liên xã, liên huyện... vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cũng ghi nhận những nỗ lực của EVNNPT/CPMB và các đơn vị thi công trên công trường khi đã hoàn thành dự án đúng tiến độ, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 hết sức phức tạp.

“Cũng do ảnh hưởng của COVID-19 việc di chuyển của lực lượng kỹ sư, công nhân tham gia xây dựng dự án gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng khan hiếm vật tư thiết bị đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ chung của dự án. Trong bối cảnh vừa chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu chất lượng, tiến độ dự án nhưng với bề dày kinh nghiệm trong quản lý dự án, lãnh đạo EVNNPT/CPMB cùng với đội ngũ cán bộ có năng lực và nhiệt huyết đã khắc phục mọi khó khăn, lập tiến độ chi tiết các hạng mục công việc, bám sát công trường để đôn đốc giám sát, kịp thời giải quyết những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ cũng như đảm bảo chất lượng của dự án, đáp ứng sự tin tưởng của EVN giao,” ông Trần Đình Nhân nhấn mạnh.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cũng khẳng định việc hoàn thành công trình sẽ giúp giải tỏa hết công suất nguồn điện gió phía Tây tỉnh Quảng Trị, qua đó khẳng định EVN thực hiện đúng cam kết với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và các nhà đầu tư điện gió trong khu vực.

Tuy nhiên, với tiềm năng điện gió ở Quảng Trị còn rất lớn, đòi hỏi cần phải có công trình 500kV để giải tỏa hết công suất của dự án trong thời gian tới, vì vậy EVN kiến nghị tỉnh Quảng Trị và các sở, ngành địa phương tạo điều kiện tối đa để Tập đoàn thực hiện dự án truyền tải nhằm giải tỏa công suất các nguồn điện gió trong tương lai, qua đó góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch  Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị - Võ Văn Hưng đánh giá cao những nỗ lực của chủ đầu tư khi hoàn thành về đích trước để đảm bảo giải tỏa công suất gần 20 nhà máy điện gió trong khu vực với công suất gần 700 MW.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị luôn xác định mục tiêu và định hướng phát triển những lợi thế; trong đó tiêu biểu là phát triển điện gió ở khu vực miền núi phía Tây Quảng Trị.

[Bộ Công Thương chính thức trình Chính phủ Đề án quy hoạch điện VIII]

Các nhà khoa học, chuyên môn đánh giá Quảng Trị là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển các dự án năng lượng, nhất là phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời. Tỉnh Quảng Trị sẽ phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.

“Để đạt được điều đó, chúng tôi rất kỳ vọng vào các dự án năng lượng mà các nhà đầu tư đang triển khai, nhất là các dự án điện gió góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển,” ông Võ Văn Hưng bày tỏ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, tỉnh Quảng Trị cam kết phối hợp chặt chẽ với EVN/EVNNPT để hoàn thành đúng những nội dung giữa hai bên đã thống nhất. Ngoài ra, các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị cần hỗ trợ tốt hơn nữa các đơn vị của EVN, các doanh nghiệp đầu tư điện gió trong đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; cùng phối hợp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đưa ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại để các dự án năng lượng được thực hiện một cách thuận lợi nhất trong thời sớm nhất.

Cũng tại buổi lễ, thay mặt EVN, Tổng Giám đốc Trần Đình Nhân đã trao 1 tỷ đồng ủng hộ tỉnh Quảng trị trong phòng chống dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.