Ngày 14/12, tỉnh Đồng Tháp, Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam - VINASEED (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã khánh thành và đưa vào hoạt động trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản.
Đây là dự án có hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại, đồng bộ và tự động hóa bằng 100% công nghệ Nhật Bản, với giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Kim Liên – chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc tập đoàn giống cây trồng Việt Nam cho biết, khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ có công suất chế biến bảo quản 100.000 tấn gạo/năm và 50.000 tấn giống/năm, hoàn toàn tự động hóa.
Sản phẩm dây chuyền gạo sẽ giữ nguyên hương vị tự nhiên sau quá trình chế biến, cung cấp sản phẩm giống chất lượng, an toàn đáp ứng các quy trình kiểm định khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế, an toàn với con người.
Trong quá trình quản lý và vận hành nhà máy, VINASEED hướng tới mục tiêu nghiên cứu chọn tạo, sản xuất kinh doanh giống cây trồng phục vụ vùng xuất khẩu lúa gạo lớn nhất cả nước tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, sẽ tập trung vào các dòng sản phẩm có khả năng chống chịu tốt với biến đổi khí hậu và sâu bệnh, tiếp cận xu thế của thế giới về chuẩn sản phẩm an toàn và chất lượng, từ đó giúp 75% nông dân sử dụng giống lúa xác nhận và nâng cao thu nhập của bà con nông dân tăng 30%.
Ngoài ra, thông qua hình thức liên kết với các mô hình hợp tác kiểu mới xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo khép kín với các giải pháp canh tác bền vững, trong đó, nông dân là chủ thể tạo ra sản phẩm sạch, an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap đồng thời, xây dựng mô hình tiên tiến, thay đổi phương thức quản trị sản xuất nông nghiệp theo công nghệ 4.0, thực hiện cơ giới hóa và giảm tổn thất trong sản xuất lúa gạo; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, hộ nông dân tham gia chuỗi sản xuất lúa gạo của VINASEED góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nói, Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông sản chủ lực, đặc biệt là lúa gạo, trái cây và thủy sản. Riêng lúa gạo, hàng năm Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất 25 triệu tấn thóc, chiếm tới 60% sản lượng và trên 90% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, vấn đề về chất lượng, phẩm cấp hạt giống và chất lượng gạo hàng hóa là một trong những khó khăn, hạn chế của ngành hàng này.
Vì thế, trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản đi vào hoạt động sẽ góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo ứng dụng công nghệ 4.0 từ giống đến tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; làm cơ sở hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất chuyên canh quy mô lớn gắn với chế biến, bảo quản giống và sản xuất, kinh doanh lúa gạo có thương hiệu phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho Vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước. Đặc biệt, góp phần thực hiện Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị VINASEED tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh, thực hiện đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long; lấy các hộ nông dân làm chủ thể của chuỗi giá trị, quản trị quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP; thực hiện bao tiêu sản phẩm đảm bảo đầu ra, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân.
Mặt khác, cần hình thành vùng sản xuất giống lúa và lúa hàng hóa chất lượng cao, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong canh tác giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản.
Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo ra những giống lúa nói riêng và cây trồng nói chung chất lượng cao, phù hợp với Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng các yêu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; từng bước, phát triển ngành giống cây trồng, phát triển chuỗi giá trị nông sản theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam – VINASEED là doanh nghiệp độc lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, được cổ phần hóa từ năm 2003. Đến năm 2019, công ty đạt 85.000 tấn hạt giống, tương đương 1 triệu ha gieo trồng, doanh thu 1.605 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân: 30 - 40%/năm.
VINASEED là đơn vị đầu tiên được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ trong ngành giống cây trồng Việt Nam, đã nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa thành công 45 giống cây trồng các loại (giống lúa, ngô, hạt rau), trong đó, có hai giống lúa thơm được coi là sản phẩm chủ lực xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long là Thơm RVT và Đài Thơm 8./.