Khó ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em do đối tượng là người thân quen

Khó khăn trong công tác phòng ngừa là đối tượng xâm hại tình dục trẻ em thường là người thân, quen với nạn nhân, chưa có tiền án tiền sự, chưa nằm trong danh sách quản lý của lực lượng công an.
Khó ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em do đối tượng là người thân quen ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: humanrightskorea.org)

Số liệu thống kê trong 3 năm 2014-2016 cho thấy, trung bình hàng năm số vụ án xâm hại tình dục trẻ em bị khởi tố, điều tra xét xử lên tới 1.000 vụ, chiếm 7% các vụ án tội phạm xâm phạm trật tự xã hội như giết người, hiếp dâm, cướp của... Đặc biệt, nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng, các em bị ám ảnh chấn thương tâm lý suốt cuộc đời, thậm chí có em đã tự tử.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em – Từ Luật pháp, chính sách đến thực tiễn” do CSAGA và Đại sứ quán Hà Lan tổ chức ngày 7/12 tại Hà Nội.

Trong 3 năm gần đây, mỗi năm xảy ra hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó số lượng nhưng số vụ việc có mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện 696 vụ xâm hại tình dục trẻ em, phát hiện 716 đối tượng, xâm hại 710 em, tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về số vụ, số đối tượng và số nạn nhân.

Trung tá Khổng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng P6/C45 Bộ Công an cho biết, đối tượng xâm hại tình dục trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau, tập trung chủ yếu từ 17-40 tuổi, ngoài ra nhiều vụ đối tượng trên 50 tuổi, cá biệt có một số vụ trên 70 tuổi.

“Đối tượng chủ yếu là lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp, nghề không ổn định; lười lao động, ham mê rượu chè, đàn đúm, có lối sống lệch chuẩn, bệnh hoạn, biến thái; Một số đối tượng thường lợi dụng nghề nghiệp để xâm hại tình dụng trẻ em như giáo viên, nhân viên y tế, người có chức trách bảo trợ, nuôi dưỡng, chữa bệnh… hoặc có kiến thức, kỹ năng trong môi trường mạng…” Trung tá Khổng Ngọc Oanh nói.

[Tuyên phạt bị cáo Nguyễn Khắc Thủy 3 năm tù vì hành vi dâm ô trẻ em]

Hầu hết các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em có trình độ học vấn thấp, không am hiểu pháp luật, sống gấp, buông thả, ăn chơi đua đòi, bị chi phối bởi rượu chè, ma túy, phim ảnh khiêu dâm. Một số bị bệnh lý loạn dâm, ấu dâm, thiếu rèn luyện tu dưỡng nên không kiềm chế, không chế ngự được bản thân nên có hành vi suy đồi bệnh hoạn, ấu dâm với những nạn nhân rất nhỏ tuổi.

“Đáng buồn hơn, trẻ em bị xâm hại tình dục là nhóm trẻ em còn nhỏ tuổi, nhiều nạn nhân dưới 10 tuổi còn quá non nớt, không có khả năng tự vệ, dễ dàng bị đối tượng lợi dụng dụ dỗ, cưỡng bức xâm hại,” Trung tá Khổng Ngọc Oanh cho biết.

[Khởi tố một bảo vệ trường tiểu học có hành vi dâm ô trẻ em]

Theo Trung tá Khổng Ngọc Oanh, khó khăn trong công tác phòng ngừa là đối tượng xâm hại tình dục trẻ em thường là người thân, quen với nạn nhân, chưa có tiền án tiền sự, chưa nằm trong danh sách quản lý nghiệp vụ của lực lượng công an nên khi thực hiện hành vi, thậm chí thực hiện nhiều lần nhưng khó được phát hiện ngăn chặn.

Bên cạnh đó, sự thiếu sót trong pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật hình sự do quy định chưa rõ ràng khiến việc xử lý các đối tượng xâm hại tình dục gặp nhiều khó khăn. Các đại biểu tham dự hội thảo kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự nêu rõ những khái niệm chưa rõ ràng và quy định theo hướng mở rộng nguyên tắc xác định chứng cứ, cách thức thu thập chứng cứ đối với loại tội phạm này để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục